Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy quan hệ hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển

08:05, 05/01/2018

Với sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ 3 nước, các chương trình hợp tác, đầu tư trong khuôn khổ Tam giác phát triển trong những năm qua đã đạt nhiều thành tựu, nhất là trong kinh tế, thương mại...

Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư, kết quả nổi bật nhất là các hoạt động phối hợp, giúp đỡ các tỉnh bạn Lào và Campuchia khảo sát, quy hoạch và xây dựng nhiều công trình hạ tầng thiết yếu như: điện, đường giao thông, cửa khẩu và hợp tác đầu tư trồng rừng, trồng cao su.

Đối với Campuchia, hiện có 3 dự án đầu tư của tỉnh ta đang triển khai thực hiện gồm: Dự án phát triển cây cao su và một số cây công nghiệp tại tỉnh Mondunkiri (Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký 19,87 triệu USD) quy mô 2.000 ha. Hiện Công ty đã trồng được 1.840 ha, trong đó diện tích cao su Công ty trực tiếp quản lý 1.670 ha, còn lại là diện tích liên kết với người dân. Năm 2017, đã có 680 ha cho khai thác, sản lượng 500 nghìn tấn mủ quy khô. Dự án trồng cao su tại tỉnh Rattanakiri do Công ty Cổ phần Cao su Krông Búk – Rattanakiri đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký 53,9 triệu USD, quy mô 9.000 ha. Đến nay, đã trồng mới 5.600 ha, giải quyết việc làm cho 312 lao động, trong đó 221 lao động là người Campuchia. Dự án đầu tư trồng 7.000 ha cao su tại xã Seda, huyện Lumphat (Rattanakiri) của Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo có tổng vốn đầu tư 71,27 triệu USD, đến nay công ty đã trồng được 1.275 ha, giải quyết việc làm cho 155 lao động theo mùa vụ.

Hoạt động chế biến mủ của Công ty TNHH Cao su Đắk Lắk tại Lào.
Hoạt động chế biến mủ của Công ty TNHH Cao su Đắk Lắk tại Lào.

Hoạt động thương mại, cũng được tỉnh thường xuyên xúc tiến hợp tác với nhiều chương trình như: cung cấp thông tin tổng quan về tỉnh Oddar Meanchay cho một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiên cứu tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư; tham gia đàm phán, phối hợp khảo sát một số tỉnh trong khu vực  vận động doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm tại Campuchia; hỗ trợ đẩy mạnh kinh doanh xuất khẩu, trao đổi hàng hóa với các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển. Trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân giữa Đắk Lắk với Campuchia đạt trên 77 nghìn USD.

Về hỗ trợ, xây dựng phát triển các công trình kỹ thuật hạ tầng, tỉnh đã tiến hành khảo sát song phương tuyến đường từ cửa khẩu Đắk Ruê đến bờ sông Sêrêpôk (trên lãnh thổ Campuchia) và lối mở (cửa khẩu phụ) khu vực Đồn Biên phòng Sêrêpôk xã Krông Ana (Buôn Đôn). Đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét đưa dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 29 và 14C vào danh mục đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020; đang hoàn tất dự án hỗ trợ phát triển biên giới với tổng mức đầu tư 580 tỷ đồng, trong đó vốn ODA 481 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ tạo nên hành lanh kinh tế kết nối các tỉnh của các nước trong khu vực Tam giác phát triển.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế, thương mại và du lịch trong khu vực Tam giác phát triển, tỉnh đã đề nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền; đồng thời hỗ trợ đầu tư Quốc lộ 29 đến cửa khẩu Đắk Ruê, vốn ODA xây dựng đường phía Campuchia, tạo điều kiện sớm lưu thông cửa khẩu...

Đối với Lào, Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đã có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, hỗ trợ phát triển hạ tầng cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh nước bạn. Đơn cử như dự án đầu tư phát triển cây cao su, cà phê do Công ty Cổ phần đầu tư Cao su Đắk Lắk làm chủ đầu với tổng vốn đầu tư gần 71 triệu USD. Đến nay, đã trồng trên 9,5 nghìn ha cây công nghiệp, tập trung ở 2 tỉnh Chămpasắk và Salavan. Tổng số lao động thường xuyên làm việc tại dự án 2.462 người, trong đó trên 2.000 lao động Lào với mức thu nhập từ 2,5-4 triệu kip/tháng (6,7-10 triệu đồng). Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty còn đầu tư xây dựng 4 trạm y tế, 2 trường học và 3 trạm biến áp... với tổng kinh phí trên 1,7 tỷ kip Lào (tương đương trên 4,2 tỷ đồng).

Khai thác mủ cao su tại Công ty TNHH Cao su Đắk Lắk tại Lào.
Khai thác mủ cao su tại Công ty TNHH Cao su Đắk Lắk tại Lào.

Trong hoạt động đầu tư, hợp tác kinh tế-thương mại, chính quyền các tỉnh của Lào đã đánh giá rất cao mối quan hệ và sự đóng góp của các doanh nghiệp tỉnh ta nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Quá trình triển khai thực hiện dự án cũng đã được Chính phủ Lào hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Ngoài các chương trình hợp tác về kinh tế, các hoạt động giao lưu văn hóa cũng thường xuyên được tổ chức đã góp phần tăng cường, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tỉnh trong khu vực này.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.