Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội kết nối xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi

08:14, 12/02/2018
Bên cạnh thế mạnh trồng trọt, Đắk Lắk cũng có tiềm năng rất lớn về phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo chuỗi và áp dụng công nghệ cao. Đây là lợi thế tốt để thu hút các doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn vào đầu tư lĩnh vực này, tạo cơ hội xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của tỉnh.
 
Những năm qua, nông nghiệp Đắk Lắk chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi, từ 18,7% năm 2010 lên 19,84% (năm 2016), đem lại giá trị sản xuất trên 7.000 tỷ đồng năm 2016. Chăn nuôi gia súc duy trì ổn định, với tổng đàn năm 2016 trên 1,1 triệu con, cung cấp trên 124 nghìn tấn thịt cho tiêu thụ trong và ngoài tỉnh; chăn nuôi gia cầm cũng phát triển mạnh, với gần 10 triệu con (năm 2016), đạt mức tăng bình quân 5,62%/năm, sản lượng thịt, trứng đạt 29.434 tấn và 200 triệu quả; sản lượng ong mật đứng đầu cả nước với 8.000 tấn, có mặt ở các thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU… Toàn tỉnh có 407 trang trại chăn nuôi; bước đầu tỉnh đã kêu gọi được một số DN đầu tư vào chăn nuôi, hiện phần lớn các công ty đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản và chuẩn bị khâu thức ăn trước khi nhập bò về nuôi.
Trang trại chăn nuôi bò của Công ty TNHH Liên hợp công - nông nghiệp phát triển  bền vững Sao Đỏ tại huyện M’Đrắk.
Trang trại chăn nuôi bò của Công ty TNHH Liên hợp công - nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ tại huyện M’Đrắk.

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, với lợi thế về đất đai, khí hậu, Đắk Lắk có tiềm năng rất lớn để phát triển chăn nuôi theo chuỗi, có truy xuất nguồn gốc và áp dụng công nghệ cao. Hiện có khá nhiều trang trại chăn nuôi heo, gà, bò… trên địa bàn tỉnh có thể hướng tới mô hình xuất khẩu theo chuỗi nếu có sự hợp tác, kết nối. Bên cạnh đó, việc tận dụng cỏ dưới tán rừng, nhân rộng mô hình trồng cỏ cũng có thể phát triển đàn bò hộ gia đình, đa dạng các hình thức chăn nuôi: bò hướng thịt, bò sữa, bò giống, bò vỗ béo để tạo thêm việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống cho khu dân cư nông nghiệp. Chia sẻ về kinh nghiệm trong mô hình liên kết chuỗi, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước) cho biết: “Hiện chúng tôi đang thực hiện chuỗi liên kết với Công ty Bel Gà Việt Nam trong việc cung cấp con giống, Tập đoàn De Heus (cung cấp thức ăn), Tập đoàn Hùng Nhơn (tổ chức trang trại chăn nuôi chuẩn), Công ty TNHH Koyu & Unitek (chế biến và giết mổ). Nhờ chuỗi liên kết chặt chẽ này mà sản phẩm của Tập đoàn Hùng Nhơn đã thành công trong việc xuất khẩu thịt gà sạch sang thị trường khó tính như Nhật Bản, sắp tới DN sẽ xuất khẩu thịt heo, trứng các loại gia cầm khác”.

Còn theo các tập đoàn DN chăn nuôi khác, mô hình trên có thể nhân rộng, áp dụng cho bà con nuôi heo, bò, gà… ở quy mô tập trung. Đặc biệt, việc tuân thủ áp dụng triệt để các tiêu chuẩn của GlobalGAP và công nghệ truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi sẽ là yếu tố giúp giải quyết được khâu thị trường, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch tại thị trường nội địa và xuất khẩu, có như vậy ngành chăn nuôi mới có được những bước phát triển bền vững. Đắk Lắk đang là điểm đến đầu tư lý tưởng cho chăn nuôi, hiện có Tập đoàn Hùng Nhơn đang xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi ở các tỉnh Tây Nguyên. Điều mong muốn của các tập đoàn chăn nuôi là ngoài việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi để tăng sức cạnh tranh, Đắk Lắk phải xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh, có như vậy việc xuất khẩu mới thuận lợi, bởi khi có vùng an toàn dịch bệnh, nếu có dịch bệnh xảy ra ở nơi khác thì sản phẩm chăn nuôi trong vùng an toàn dịch bệnh vẫn xuất khẩu được.

Trang trại nuôi gà tập trung trên địa bàn huyện Ea Kar.
Trang trại nuôi gà tập trung trên địa bàn huyện Ea Kar.

Trên thực tế, mặc dù tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển chăn nuôi, nhưng chăn nuôi của Đắk Lắk mới chỉ đáp ứng được nhu cầu thực phẩm trong tỉnh và xuất sang một số tỉnh lân cận, các dự án có quy mô tương đối lớn đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi thời gian qua còn ít; sự kết nối giữa chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu theo chuỗi chưa được quan tâm phát triển. Theo các DN, để thực hiện thành công sản xuất theo chuỗi, Đắk Lắk cần tổ chức lại sản xuất từ khâu chăn nuôi đến khâu giết mổ nhằm thay đổi tập quán của người chăn nuôi, làm tốt quy trình chăn nuôi theo GlobalGAP. Có như vậy, sản phẩm của Đắk Lắk mới đủ sức kết nối được với các doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi lớn để xuất khẩu…

Theo Sở NN-PTNT, việc phát triển chăn nuôi theo chuỗi là mục tiêu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vừa qua, UBND tỉnh đã mời các DN có những thành công thực sự trong lĩnh vực chăn nuôi đến Đắk Lắk để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đây là cơ hội kết nối cho các DN, trang trại chăn nuôi trong tỉnh với các DN, tập đoàn trong và ngoài nước sản xuất theo chuỗi giá trị để sản phẩm chăn nuôi của tỉnh tiếp cận với thị trường xuất khẩu.

Để cụ thể hóa việc thu hút các DN đầu tư vào chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN-PTNT, các huyện M’Đrắk, Krông Pắc, Buôn Đôn, Ea Kar và TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn các tập đoàn Hùng Nhơn, De Heus khảo sát về phát triển chăn nuôi, trồng bắp trên địa bàn huyện M’Đrắk và các vị trí phù hợp khác trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Biển Đông khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy giết mổ gia súc tập trung phù hợp với nhu cầu của DN và của địa phương.


Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.