Multimedia Đọc Báo in

Khởi sắc diện mạo đô thị Buôn Ma Thuột

08:36, 20/02/2018

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác quản lý đô thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng khởi sắc, góp phần tích cực vào mục tiêu xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp, phát triển bền vững.

Đô thị văn minh – xanh – sạch – đẹp

Xác định công tác quản lý giữ gìn trật tự đô thị, cảnh quan môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã đẩy mạnh công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, chỉnh trang đô thị. Qua đó, đã từng bước nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương cũng như ý thức người dân, góp phần giữ gìn trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Nổi bật rõ nhất là trên nhiều tuyến đường như Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành, Y Jút, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong… đã trở nên thông thoáng, sạch đẹp sau khi lực lượng chức năng ra quân, xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán. Tình trạng phương tiện dừng, đỗ sai quy định, hay những gian hàng chiếm dụng vỉa hè… gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị giảm đáng kể. 

Bên cạnh đó, những năm gần đây mật độ cây xanh trên địa bàn thành phố cũng tăng đáng kể. Nhiều con đường, đoạn đường rợp bóng cây xanh như Hai Bà Trưng, Lê Duẩn, Bà Triệu, Ngô Quyền… đã minh chứng khi nói Buôn Ma Thuột là một đô thị xanh. Trên nhiều tuyến đường mới hình thành cũng đang dần được phủ một màu xanh. Được biết, trong năm 2017, thành phố đã trồng mới, bổ sung, thay thế hơn 1.650 cây xanh trên các tuyến đường; nâng diện tích cây xanh công cộng khu vực nội thị trên 217 ha, đạt tỷ lệ 8,88 m2/người, tỷ lệ đất cây xanh toàn đô thị đạt 20 m2/người; mở rộng diện tích thảm cỏ dọc các tuyến đường đô thị tạo mảng xanh với 4.495 m2.

Ngã Sáu – TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia
Ngã Sáu – TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Không những thế, các cấp chính quyền thành phố cũng đã quan tâm đầu tư hệ thống chiếu sáng trên các tuyến đường hẻm nội thị (đạt 100%); đồng thời, xã hội hóa điện trang trí gồm 5 đơn vị hưởng ứng tham gia với 42 cổng hoa và 8 dàn điện trang trí với tổng kinh phí khoảng 12 tỷ đồng. Duy trì tỷ lệ quét dọn, thu gom rác thải trên các tuyến đường nội thành, trục giao thông chính tới các xã (đạt 100%); mở rộng địa bàn thu gom tại các khu dân cư tập trung ngoại thành (đạt 80%)... 

Hướng đến trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên

Để đạt được những kết quả trên, các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể và người dân TP. Buôn Ma Thuột đã cụ thể hóa qua những mô hình thiết thực. Đó là mô hình trồng hoa, cải tạo bồn cây trên các tuyến đường tại phường Thống Nhất; thu gom rác thải tái chế của Đoàn phường Tự An; hay tận dụng những vật liệu tái chế từ phế liệu để tạo thành những sản phẩm trưng bày tại Lâm viên Buôn Ma Thuột của Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk nhằm tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ môi trường, tạo điểm đến tham quan, vui chơi, giải trí của người dân địa phương và du khách…

Khu du lịch sinh thái Ko Tam – điểm đến hấp dẫn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Khu du lịch sinh thái Ko Tam – điểm đến hấp dẫn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

 

 
“Đô thị Buôn Ma Thuột đang phát triển theo hướng vừa hiện đại vừa bền vững. Về tiêu chí xanh - sạch - đẹp thì cây xanh ở Buôn Ma Thuột vừa đủ bóng mát, chuẩn về độ cao an toàn; đặc biệt là nơi đây vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống qua hình ảnh những buôn làng trong trung tâm thành phố”. 
 
Nguyễn Thị Kim Sơn - Phó Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam

Có thể nói, từ khi được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2010, để xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, TP. Buôn Ma Thuột đã huy động, tranh thủ nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng, chỉnh trang bộ mặt thành phố. Những thành tựu đạt được trong thời gian qua, không chỉ là niềm tự hào, mà còn là tiền đề, động lực để đưa thành phố ngày càng phát triển, tiến tới là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. 

“Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đang tập trung vào các nhiệm vụ: Phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị quy tụ các đầu mối giao thông vùng và một số công trình hạ tầng xã hội nhằm đảm nhận vai trò trung tâm kinh tế - xã hội cấp vùng; Quy hoạch thành phố phát triển bền vững gắn với điều kiện tự nhiên và vùng sinh thái rừng, cây công nghiệp - nhằm hình thành một thành phố cao nguyên xanh; Thành phố được quy hoạch và chỉnh trang với mục tiêu tạo một không gian đô thị mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên”, ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết.

Được biết, hiện nay thành phố đang kêu gọi nguồn tài chính để tập trung chỉnh trang đô thị, nâng cấp hệ thống sông suối nhằm cải tạo môi trường sinh thái và tạo mảng xanh cho đô thị, bảo tồn các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ… Hy vọng rằng, với tinh thần quyết tâm và sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cán bộ và nhân dân, TP. Buôn Ma Thuột sẽ ngày càng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, xứng đáng và sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.