Multimedia Đọc Báo in

Khuyến khích thanh niên nông thôn khởi nghiệp

09:51, 06/02/2018

Những năm qua, nhiều thanh niên ở các vùng nông thôn đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao tạo việc làm cho nhiều lao động và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Sau khi tham khảo một số mô hình trong và ngoài tỉnh, với 2 ha đất vườn đồi, anh Vũ Đình Khanh (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) xây dựng mô hình trồng chanh dây với 50 dây giống. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian, nhận thấy thị trường chanh dây giá cả thường bấp bênh nên anh đã cải tạo đất để trồng cà phê, tiêu và một số cây ăn trái khác như: bưởi, bơ, sầu riêng, dừa xiêm… Ngoài việc học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ những người đi trước, anh còn tự tìm tòi học hỏi thêm kiến thức qua các phương tiện thông tin, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào canh tác và phòng trừ sâu bệnh nên vườn cây của gia đình cho năng suất, chất lượng cao. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, mô hình trồng cây xen canh đem lại cho gia đình nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng.

Mô hình trồng cây xen canh của anh Vũ Đình Khanh.
Mô hình trồng cây xen canh của anh Vũ Đình Khanh.

Bản thân là một cán bộ Đoàn, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do tỉnh, huyện tổ chức, anh Lưu Văn Dũng (thôn Quỳnh Ngọc 2, xã Ea Na, huyện Krông Ana) đã bắt đầu khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi vịt. Năm 2013, được Ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị Tỉnh Đoàn hỗ trợ cho một máy nghiền thức ăn trị giá 30 triệu đồng, anh Dũng mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển mô hình trang trại tổng hợp. Hiện nay, với 700 trụ tiêu, 4 ha ao nuôi cá, 1 ha lúa nước, 1 ha khoai lang và khoảng 2.000 con vịt thương phẩm, trang trại không chỉ đem về nhu nhâp hơn 300 triệu đồng mỗi năm cho gia đình mà còn giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho 30 lao động của địa phương.

Để kịp thời vinh danh những thanh niên trong phong trào lập thân lập nghiệp, hằng năm, Tỉnh Đoàn có các chương trình tuyên dương những gương sản xuất kinh doanh giỏi, đề nghị Trung ương Đoàn trao tặng các giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Lương Định Của, Giải thưởng Người thợ trẻ giỏi…

 

Thông qua chương trình giới thiệu chuyển giao các mô hình phát triển cây nông nghiệp từ Đoàn xã, năm 2013, chị Lã Thị Thanh Tuyền (thôn Buôn Triết, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng đầu tư trồng thử nghiệm 8 sào khoai lang Nhật trên diện tích đất trồng lúa nước của gia đình. Vượt qua những khó khăn ban đầu về vốn, kỹ thuật, chị Tuyền đã mạnh dạn tìm nguồn vay để tiếp tục phát triển mô hình và trở thành tấm gương khởi nghiệp cho nhiều thanh niên tại địa phương. Hiện nay với hơn 3 ha trồng khoai lang, gia đình chị thu về trên 300 triệu đồng/năm sau khi đã trừ mọi chi phí.

Thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi đươc tuyên dương tại Ngày hôi Thanh niên nông thôn năm 2017.
Thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi đươc tuyên dương tại Ngày hôi Thanh niên nông thôn năm 2017.

Rõ ràng, việc khuyến khích thanh niên nông thôn đầu tư, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả sẽ góp phần đưa kinh tế của các địa phương phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân. Thời gian qua, các tổ chức Đoàn luôn làm tốt nhiệm vụ đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp. Việc hỗ trợ cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu đã được chú trọng. Hiện nay, các cấp bộ Đoàn quản lý tổng số dư nợ nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho thanh niên phát triển kinh tế là hơn 631 tỷ đồng/719 tổ vay vốn/26.228 hộ vay. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã phân bổ nguồn vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm từ Trung ương Đoàn cho 6 đơn vị với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Riêng với chương trình khởi nghiệp, Tỉnh Đoàn đã tổ chức nhiều chương trình huy động các nguồn lực về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất phù hợp với quy định của pháp luật, kết hợp nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ thanh niên; tổ chức nhiều cuộc đối thoại, diễn đàn, tập huấn, giao lưu các mô hình kinh tế tiêu biểu của thanh niên trên địa bàn, tạo cơ hội để các bạn trẻ được chia sẻ, trao đổi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong khởi sự, lập nghiệp, cũng như những ý tưởng trong kinh doanh, thị trường…

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.