Multimedia Đọc Báo in

Ngành Ngân hàng: Hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

08:25, 10/02/2018

Năm 2017, mặc dù nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực trong chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh Đắk Lắk và sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn, ngành Ngân hàng tỉnh đã hoàn thành tốt kế hoạch, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, trong năm 2017, NHNN Chi nhánh Đắk Lắk đã tổ chức triển khai kịp thời, chỉ đạo và giám sát chặt chẽ các TCTD trên địa bàn thực hiện các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng. Trong đó, bên cạnh chỉ đạo các TCTD triển khai các chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; xây dựng và thực hiện các giải pháp bảo đảm kế hoạch tăng trưởng tín dụng... để hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, NHNN đã triển khai hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND tỉnh về tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số  năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia; chỉ đạo các TCTD tiếp tục đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay…

Khách hàng giao dịch tại  Ngân hàng SHB Chi nhánh  Đắk Lắk.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng SHB Chi nhánh Đắk Lắk.

Trên cơ sở đó, các TCTD đã triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng cho các ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng như tập trung nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay bình ổn thị trường; mở rộng đối tượng tiếp cận vốn theo chương trình từ các doanh nghiệp (DN) phân phối, lưu thông hàng hóa bình ổn sang các DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên; các DN tham gia mô hình liên kết vùng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch; chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp... Qua đó, doanh số cho vay của các TCTD trong năm 2017 đạt 77.764 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm; nâng tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 79.400 tỷ đồng, tăng 18,6% so với đầu năm. Trong đó, cho vay nông nghiệp, nông thôn 39.400 tỷ đồng, chiếm 49,6% tổng dư nợ cho vay; tăng 31,9% so với đầu năm với trên 175.000 lượt khách hàng vay vốn; cho vay xuất khẩu 1.500 tỷ đồng, chiếm 1,9% tổng dư nợ toàn địa bàn; cho vay DN trên 19.000 tỷ đồng, chiếm 24,6% tổng dư nợ toàn địa bàn; dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 3.990 tỷ đồng, tăng 9% so với so đầu năm.

Lãnh đạo NHNN trao tiền hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12 tại huyện Krông Bông.
Lãnh đạo NHNN trao tiền hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12 tại huyện Krông Bông.

Thực hiện tốt vai trò là trung tâm thanh toán, tiền tệ trên địa bàn, trong năm, tổng thu tiền mặt qua quỹ ngân hàng đạt 266.208 tỷ đồng; tổng chi tiền mặt đạt 274.559 tỷ đồng; bội thu 8.351 tỷ đồng. Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện chi trả kiều hối trên 26,6 nghìn lượt với doanh số 22,2 triệu USD; tổng doanh số mua - bán ngoại tệ trên địa bàn đạt 948,6 triệu USD (doanh số mua 478 triệu USD, bán 470,6 triệu USD); thanh toán xuất - nhập khẩu 454,6 triệu USD (thanh toán xuất khẩu 327,7 triệu USD, thanh toán nhập khẩu 126,9 triệu USD)...

Cùng với việc bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, các TCTD trên địa bàn cũng đã chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng vay chăn nuôi heo và khách hàng bị thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, cho vay mới); xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định...

Có thể nói, với những nỗ lực trong kinh doanh và trách nhiệm xã hội của mình, ngành Ngân hàng đã góp phần tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.