Multimedia Đọc Báo in

"Rau cười" trong phố

08:24, 04/02/2018

Đến thăm trang trại rau rộng khoảng 1,5 ha trên đường Hà Huy Tập, TP. Buôn Ma Thuột của Công ty Cổ phần Go Organic mới hiểu tại sao người ta gọi việc sản xuất rau ở đây là sản xuất “rau cười”.

Trang trại được xây dựng năm 2014 với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng bao gồm cả hệ thống tưới tiết kiệm nước. Sở dĩ nói là “rau cười” bởi người sản xuất cảm thấy vui khi sản xuất ra nông sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và được người tiêu dùng vui vẻ đón nhận. Để có được niềm vui đó thì quy trình sản xuất được thực hiện theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất.

Thu hoạch rau tại trang trại Go Organic.
Thu hoạch rau tại trang trại Go Organic.

Ngay lối vào trang trại là khu sơ chế, chế biến, trưng bày một số sản phẩm rau đến độ thu hoạch của trang trại. Cạnh đó là sơ đồ vườn rau với cách bố trí khoa học theo từng khu vực sản xuất gồm: khu sơ chế, chế biến; khu ươm giống cố định; khu sản xuất rau ăn lá; rau lấy quả; rau lấy củ… Điều đặc biệt gây bất ngờ thú vị cho người tham quan là vườn rau rất nhiều cỏ dại: cỏ mọc xen lẫn với rau trên luống, giữa lối đi, bờ thửa từng lớp đan xen nhau. Các loại côn trùng cũng rất nhiều, đặc biệt là dế, ong, bướm, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đo... Anh Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc công ty giải thích, vườn rau được sản xuất theo hướng tận dụng lợi thế từ thiên nhiên, đặc biệt là quá trình quang hợp dưới ánh nắng mặt trời để tạo ra diệp lục trong lá tạo ra thành phẩm ngon đúng vị nguyên thủy của nó nên thu hút sâu bọ. Trong khi đó đơn vị sản xuất theo phương châm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên tốc độ phát triển của rau song hành với mật độ cỏ và sâu bọ trên vườn. Điển hình như những bẹ ngoài của bắp sú chằng chịt những lỗ nhỏ do bị sâu ăn, bình quân mỗi bắp sú có từ 30-40 con sâu ăn lá. Do đó khi thu hoạch các công nhân phải tách bỏ những bẹ phía ngoài đến khi không còn những bẹ lá bị sâu nữa mới đủ tiêu chuẩn xuất bán với trọng lượng bình quân 0,3-0,4kg/cái, rất nhỏ so với trọng lượng của các loại bắp sú thông thường thương mại trên thị trường (1-2kg/cái). Bản thân các loại bắp sú nhỏ nhưng khi cầm cảm giác rất nặng tay bởi các bẹ lá cuốn rất chặt, nấu chín thì dòn, thơm, vị đậm đà.

Lứa rau cải đón Tết cổ truyền đang được chăm sóc theo hình thức thủ công truyền thống.
Lứa rau cải đón Tết cổ truyền đang được chăm sóc theo hình thức thủ công truyền thống.

Tương tự, các loại rau ăn lá khác cũng bị sâu ăn rất nhiều nên diện mạo không đẹp mắt so với các loại rau thông thường. Rõ nhất là rau có màu xanh đậm, ngắn và không xanh mướt như rau thông thường, nhưng rất chắc nhờ cây được phát triển đúng chuẩn, đủ thời gian sinh trưởng... 

Sâu bệnh nhiều, khó sản xuất do đó lịch sản xuất tại trang trại được phân chia theo mùa vụ, mùa nào thức nấy và luân phiên thay đổi giống rau trên các thửa đất nhằm hạn chế tối đa nguồn sâu bệnh hại từ lứa rau trước đó. Còn cỏ là loài mọc hoang dại, khả năng phát triển rất mạnh nếu phải nhổ bỏ trên từng luống rau trong quá trình chăm sóc sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của rau cũng như gia tăng chi phí sản xuất. Vì vậy tất cả các loại hạt đều được ngâm, ủ đến khi nẩy mầm mới gieo hoặc ươm sẵn trong bầu rồi mới trồng để rau lớn nhanh, lấn át cỏ dại. Việc bón phân cũng dựa vào tốc độ sinh trưởng của rau và chỉ sử dụng phân hữu cơ là phân bò và phân gà ủ với xơ dừa.

Lịch sản xuất bám sát thời vụ và thời tiết nên chủng loại rau được trồng cũng hạn chế, được duy trì ổn định từ 20-25 loại, sản lượng thu hoạch bình quân 100kg các loại/ngày. Để mua rau, người tiêu dùng có thể đến trực tiếp tại vườn, gọi điện thoại đặt hàng hoặc đặt hàng trên trang web, facebook, zalo của công ty và được vận chuyển tới tận nhà. Giá rau bán cao hơn so với thị trường, dao động từ 20.000-80.000 đồng/kg. Cụ thể, bầu 20.000 đồng/kg; dưa leo, cà tím, cải tròn, cải ngồng 33.000 đồng/kg; rau dền, mùng tơi, mướp, cải thìa, cải thảo, đậu ve 35.000 đồng/kg; bí xanh, bí đỏ 42.500 đồng/kg… Còn đưa xuống TP. Hồ Chí Minh thì giá rau đắt gấp đôi do đơn vị phải chịu chi phí vận chuyển, đặc biệt là sử dụng gel để bảo quản nhằm giữ hương vị tươi ngon từ vườn đến tận tay người tiêu dùng. Vì vậy, để người tiêu dùng tiếp cận được nguồn rau bảo đảm chất lượng cũng như tìm đầu ra ổn định, đơn vị đã thiết lập các combo rau 6 loại rau tự chọn với trọng lượng 1,2kg/lần giao như combo 2 người ăn với giá 450.000 đồng/tháng (giao 1 lần/tuần); combo 3-4 người ăn có giá 890.000 đồng/tháng  (giao 2 lần/tuần) và được tặng quà tặng kèm theo…. 

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.