Multimedia Đọc Báo in

Thu hút đầu tư, phát triển cụm công nghiệp: Nhiều ưu đãi hấp dẫn

08:18, 01/02/2018

Thời gian qua, việc thu hút đầu tư, phát triển cụm công nghiệp (CCN) gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ dành cho nhà đầu tư đã có hiệu lực được kỳ vọng sẽ tạo cú hích trong thú hút dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và phát triển hạ tầng CCN trong thời gian tới.

Hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu

Theo số liệu của Sở Công thương, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 14 CCN với tổng diện tích 692 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp gần 476 ha. Trong số này có 8 CCN đã đi vào hoạt động, 3 CCN có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được phê duyệt gồm: Tân An 1, Tân An 2 (TP. Buôn Ma Thuột), Ea Đar (huyện Ea Kar).

Tuy đã hình thành CCN ở 9/15 huyện các huyện, thị xã, thành phố, nhưng công tác thu hút dự án đầu tư vào các CCN gặp nhiều khó khăn, số lượng dự án đạt thấp, quy mô nhỏ. Đơn cử như CCN Tân An 1 và 2 (TP. Buôn Ma Thuột) có tổng diện tích gần 105 ha, nhưng hiện mới thu hút được 74 dự án vào đầu tư và đăng ký đầu tư. Cụ thể, CCN Tân An 1 có 35 dự án, trong đó 28 dự án đang hoạt động, 7 dự án đang triển khai xây dựng hoặc ngừng hoạt động. CCN Tân An 2 có 39 dự án, trong đó 25 dự án đang hoạt động, 12 dự án đang triển khai xây dựng và 2 dự án chưa triển khai.

Nhà máy chế biến cà phê Intimex Buôn Ma Thuột  tại Cụm  công nghiệp Tân An 1.
Nhà máy chế biến cà phê Intimex Buôn Ma Thuột tại Cụm công nghiệp Tân An 1.

Tương tự, CCN Ea Ral (huyện Ea H’leo) thành lập năm 2007 với diện tích 33 ha, nhưng từ đó đến nay mới chỉ có 7 dự án đã đi vào hoạt động  và 7 dự án khác đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và đang hoàn thiện thủ tục để triển khai.

Sở Công thương cho biết, toàn tỉnh hiện có 141 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư vào các cụm công nghiệp, với tổng diện tích gần 241 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 78%. Cụ thể, 87 dự án đang hoạt động (tổng diện tích 141 ha), 21 dự án đang xây dựng (31 ha), 14 dự án ngừng hoạt động (39 ha) và 18 dự án đã có chủ trương và đang lập hồ sơ (31,8 ha). Nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong thu hút đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong các CCN là do nhiều địa phương chưa có trung tâm quản lý, phát triển CCN và hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ. Cụ thể, 8 CCN đã đi vào hoạt động với diện tích đất quy hoạch 427,3 ha, diện tích đất công nghiệp 309,5 ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng mới chỉ đạt khoảng 292,3 tỷ đồng, so với nhu cầu thực tế 1.266 tỷ đồng. Riêng về hệ thống xử lý nước thải chỉ có CCN Tân An 1 và 2 đang xây dựng, các CCN còn lại chưa được đầu tư.

Thêm sức hút đầu tư

Nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển đầu tư, phát triển CCN của địa phương, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển các CCN tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2020, các CCN trên địa bàn tỉnh đóng góp khoảng 20-25% tỷ trọng trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp; tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 80% đối với các CCN đã đi vào hoạt động, 40-50% đối với các CCN mới thành lập; giai đoạn 2021-2025, tập trung hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng các CCN hiện hữu và phát triển thêm các CCN mới theo nhu cầu thực tế. Cụ thể, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 14 CCN và 1 CCN - tiểu thủ công nghiệp, giai đoạn 2021-2025, bổ sung thêm 9 CCN mới.

Sản xuất cơ khí tại Công ty TNHH Xuân Hòa, Cụm công nghiệp Tân An 1 (TP. Buôn Ma Thuột).
Sản xuất cơ khí tại Công ty TNHH Xuân Hòa, Cụm công nghiệp Tân An 1 (TP. Buôn Ma Thuột).

 

 

“Ngày 25-5-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ về quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong CCN. Nghị định này có hiệu lực từ tháng 7-2017, được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh”.

 

 
 Giám đốc Sở Công thương Phạm Thái

Tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 3.378 tỷ đồng, trong đó giai đoạn đến năm 2020 khoảng 1.425 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.953 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, địa phương và nguồn vốn xã hội hóa. Do ngân sách Nhà nước chỉ bảo đảm được  khoảng15% nhu cầu vốn đầu tư, do đó tỉnh sẽ thực hiện đa dạng hóa các nguồn lực tài chính, kêu gọi, tìm kiếm các nhà đầu tư, thực hiện liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào CCN với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn. Cụ thể, chủ dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN sẽ được miễn tiền thuê đất 11 năm; được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đến 70% tổng mức đầu tư và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật... Dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN được miễn tiền thuê đất 7 năm và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhiều mức ưu đãi thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất. Riêng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư khi di dời vào CCN được hỗ trợ kinh phí khảo sát, lập dự án và thực hiện di dời…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đưa ra những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Đối với công tác bảo vệ môi trường, địa phương xác định không đánh đổi môi trường để phát triển công nghiệp. Cụ thể, xây dựng CCN liên kết chặt chẽ với hạ tầng kỹ thuật tại địa bàn nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất, xử lý môi trường; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong CCN và yêu cầu dự án đầu tư phải cam kết thực hiện xử lý môi trường mới cho phép triển khai.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.