Multimedia Đọc Báo in

Tư thương – "cầu nối" tiêu thụ nông sản cho nông dân

08:16, 01/02/2018

Để hàng hóa nông sản của người nông dân làm ra đến được với người tiêu dùng, không thể không kể đến vai trò “cầu nối” của những tư thương. Cùng với những doanh nghiệp thu mua, chế biến và phân phối nông sản, họ đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Thủy (trú tại tổ dân phố 6, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) làm nghề thu mua trái cây nhiều năm nay trên địa bàn huyện Cư M’gar. Những năm trước, chỉ với chiếc xe máy, chị rong ruổi khắp các thôn, buôn để thu mua trái cây của người dân. Ai có nhu cầu bán trái cây chị đều tìm đến tận vườn thu hái, cân mua. Trái cây được chị thu gom, bán cho một số công ty lớn trên địa bàn tỉnh để hưởng chênh lệch giá. Công việc vất vả nhưng cho chị thu nhập khá cao, khoảng 700.000 đồng/ngày. Do điều kiện sức khỏe không còn như trước nên từ năm 2015, chị Thủy thuê một căn nhà ở thôn 1, xã Cư Suê để làm địa điểm thu mua trái cây cố định.

Một đại lý thu mua cà phê tại phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ.
Một đại lý thu mua cà phê tại phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ.

Ông Y Krin Êban ở buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê chia sẻ: “Nhiều năm nay gia đình tôi đều bán bơ và sầu riêng cho chị Thủy. Nếu như không có những tư thương thu mua nông sản tận thôn, buôn thì nông dân chúng tôi làm ra sản phẩm không biết bán cho ai. Mỗi khi gặp khó khăn túng thiếu chúng tôi thường mượn tiền chị Thủy để trang trải cuộc sống, rồi đến mùa thu hoạch sẽ trả bằng nông sản”.

Còn với những đại lý thu mua nông sản lớn hơn như của gia đình anh Nguyễn Văn Cung (ở thôn Ea Chăm, xã Ea Tân, huyện Krông Năng), mỗi năm thu mua khoảng 500 tấn cà phê nhân, 200 tấn tiêu của người dân trong xã để cung ứng cho các công ty lớn. Để giúp người dân giảm bớt khó khăn trong việc đầu tư sản xuất, anh Cung còn nhận ký gửi cà phê, tiêu và cho người dân ứng tiền trước. Ngoài ra, anh còn liên hệ với một số công ty sản xuất phân bón trong và ngoài tỉnh có uy tín bán phân bón trả chậm cho người dân để đầu tư sản xuất. Bình quân mỗi năm anh cung ứng trả chậm trên 300 tấn phân các loại.

Có thể nói, nếu không có đội ngũ tư thương thu mua, nông dân sẽ không thể bán nông sản một cách nhanh chóng; các công ty thu mua chế biến, xuất khẩu lớn cũng không đủ nhân lực và chi phí đầu tư để gom hàng. Những tư thương đã trở thành “cầu nối” hiệu quả, giúp các công ty lớn và nông dân “gặp nhau”. Không chỉ giữ vai trò thu mua nông sản, nhiều tư thương còn cung cấp cả vật tư như phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức tín chấp trả chậm, giúp giảm bớt khó khăn cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Thủy đang thu mua bơ của người dân tại xã Cư Suê, huyện Cư M’gar.
Chị Nguyễn Thị Thủy đang thu mua bơ của người dân tại xã Cư Suê, huyện Cư M’gar.

Tuy nhiên, việc thu mua nông sản qua khâu trung gian cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi. Nông dân thường phải phụ thuộc vào sự đánh giá có phần chủ quan, ước chừng của tư thương về chất lượng nông sản, từ đó ép cấp, ép giá. Ngược lại, tư thương đi thu mua nông sản cũng gặp không ít rủi ro. Anh Trần Anh Dũng, chủ đại lý thu mua nông sản Dũng Ngân ở phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ tâm sự: “Hằng năm, đại lý chúng tôi đều cho nông dân mua ứng trước phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đến mùa thu hoạch sẽ trả bằng nông sản. Tuy nhiên, nếu mùa vụ thất bát, đại lý cũng khó thu hồi được tiền đầu tư. Thậm chí nhiều hộ thu hoạch xong lại mang đến cửa hàng khác để bán, chúng tôi cũng không có cách nào ép họ trả tiền…”.

Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết đầu ra và tăng giá trị kinh tế cho nông sản là cần phải có sự hợp tác và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trên thực tế ở nhiều địa phương cũng bắt đầu tạo được những mối liên kết doanh nghiệp - tư thương - nông dân. Điển hình như việc liên kết sản xuất cà phê bền vững; liên kết cung ứng giống và thu mua trái bơ, sầu riêng… Các công ty lớn ký hợp đồng với nông dân, cung cấp kỹ thuật, bảo đảm đầu ra bền vững cho nông sản. Thông qua đó, nhiều tư thương, chủ đại lý cũng đứng ra liên kết với doanh nghiệp, chịu trách nhiệm giám sát và thu mua nông sản của nông dân theo đúng hợp đồng. Đây là hướng phát triển tốt để góp phần nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa và chất lượng nông sản, tạo điều kiện để phát triển sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.