Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay ở buôn Thái

09:06, 01/03/2018

Buôn Thái (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và  nỗ lực trong lao động sản xuất của người dân, buôn Thái giờ đây đã có nhiều đổi thay.

Theo ông Lô Văn Dậu, Trưởng buôn Thái, đồng bào Thái từ tỉnh Nghệ An vào lập nghiệp tại xã Ea Kuêh từ năm 1994. Năm 1995, buôn Thái được thành lập, lúc đầu chỉ có 73 hộ với 298 nhân khẩu. Đến nay, toàn buôn có 209 hộ, với 836 nhân khẩu, trong đó có 97% dân số là người dân tộc Thái. Khi mới vào đây lập nghiệp, đời sống kinh tế của bà con gặp nhiều khó khăn, song với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, người dân cần cù lao động sản xuất, phát triển kinh tế, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên đời sống bà con đã có nhiều khởi sắc”.

Chỉ tay ra con đường nhựa khang trang dẫn vào buôn, ông Dậu kể trước kia đường nhỏ, lầy lội, gập ghềnh, xe ô tô không thể chạy vào buôn, từ vận chuyển nông sản đến chở người bệnh đi cấp cứu đều phải dùng sức người. Trồng trọt, chăn nuôi theo đó cũng manh mún, tự cung tự cấp là chính. Ông Dậu vui mừng: “Giờ thì buôn Thái khác hẳn rồi, taxi về tới tận cửa nhà, xe tải chở nông sản tới tận rẫy. Người trong buôn mở rộng giao thương với người trong huyện, trong tỉnh nên học hỏi được nhiều kinh nghiệm sản xuất; giá trị hàng hóa nhờ thế cũng tăng lên… Nhiều gia đình trong buôn có mức thu nhập từ 300 – 500 triệu đồng”.

 Nhiều  gia đình ở buôn Thái còn  lưu giữ được nếp nhà sàn truyền thống.
Nhiều gia đình ở buôn Thái còn lưu giữ được nếp nhà sàn truyền thống.

 

Tính từ năm 2015 đến nay, cùng với nguồn vốn của Nhà nước, bà con đã tự nguyện đóng góp trên 1 tỷ đồng xây dựng 3,7 km đường nhựa và đường bê tông; đóng góp 220 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa buôn.

Quả thật, đến thăm một số gia đình trong buôn mới thấy lời kể của ông trưởng buôn không quá chút nào. Gia đình chị Lô Thị Hồng có 3 ha cà phê, điều và mới trồng xen thêm hồ tiêu; mỗi năm gia đình chị thu được 8 tấn cà phê, 5 – 6 tấn điều. Ngoài ra chị con chăn nuôi thêm heo, gà. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi khoảng 300 triệu đồng mỗi năm. Thu nhập khá và ổn định, gia đình chị đã xây dựng được nhà cửa khang trang, cuộc sống đã khác xưa rất nhiều. Anh Lương Văn Tỷ phấn khởi khoe ngôi nhà mái Thái mới xây xong trị giá gần 1 tỷ đồng. Anh Tỷ chia sẻ: “Năm nay gia đình mình thu được 12 tấn cà phê, 4 tấn điều. Có được như thế là nhờ mình học hỏi từ anh em người Kinh trồng thêm hồ tiêu, bơ xen với cà phê. Hiện 300 trụ tiêu bắt đầu cho thu hoạch, đặc biệt là 50 gốc bơ sáp trái vụ cho thu hoạch bán được giá cao. Hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với độc canh cà phê như trước đây”.

Anh Lương Văn Tỷ trong vườn cà phê xen tiêu và bơ của gia đình.
Anh Lương Văn Tỷ trong vườn cà phê xen tiêu và bơ của gia đình.

Được biết, đến nay toàn buôn Thái chỉ còn 25 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/người/năm. Cuộc sống được nâng lên, bà con trong buôn tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương.

Đời sống tinh thần của người dân buôn Thái cũng rất phong phú. Bà con trong buôn còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình như: các điệu múa sạp, múa xòe, múa chai. Trong buôn có 3 đội văn nghệ, 3 đội bóng chuyền, bóng đá nam – nữ. Bà con trong buôn cũng phục dựng được 10 ngôi nhà sàn theo đúng mẫu nhà truyền thống của người Thái. Buôn Thái đã 3 lần được công nhận là buôn văn hóa cấp huyện.

Công Phong


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.