Multimedia Đọc Báo in

Khát vọng khởi nghiệp (Kỳ 2)

08:51, 13/03/2018

Kỳ 2: Khó khăn không lùi bước

Chưa bao giờ cụm từ “khởi nghiệp” được nhắc đến nhiều như thời điểm hiện nay, đặc biệt là trong giới trẻ. Tuy nhiên, ngoài quyết tâm và đam mê, để có thể khởi nghiệp thành công vẫn phải còn vượt những “rào cản”…

Nhiều thách thức

Năm 2016 được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp, mục tiêu đến năm 2020, cả nước có một triệu doanh nghiệp hoạt động. Song thực tế, số doanh nghiệp khởi nghiệp và thành công vẫn còn khá thấp. Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Khoa, ý tưởng khởi nghiệp, cơ chế chính sách hỗ trợ, các quy định trong cạnh tranh, khó khăn về đất sản xuất, tiếp cận các nguồn vốn... là những “rào cản” không nhỏ để có thể bắt tay khởi nghiệp.

Chọn phương pháp sản xuất rau bằng công nghệ thủy canh để khởi nghiệp, sau nhiều lần thất bại, chị Nguyễn Thị Thái Thanh, chủ quán Cà phê Rau 47 ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột đã thành lập được Công ty TNHH Ban Mê Green Farm và có thể chuyển giao công nghệ này cho những người có nhu cầu. Tuy nhiên, do quy mô của công ty nhỏ, nguồn vốn ít nên hoạt động còn nhiều khó khăn. “Để có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cần phải có nguồn vốn lớn và đây cũng chính là khó khăn lớn nhất hiện nay của công ty. Mặc dù Nhà nước có những nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ cho khởi nghiệp nhưng doanh nghiệp không biết làm thế nào để tiếp cận, nên vẫn đang “tự bơi” là chính”, chị Thanh chia sẻ.

Anh Phan Thành Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược – Vật tư y tế Đắk Lắk (bìa trái) kiểm tra các sản phẩm thuốc của đơn vị được trưng bày tại cửa hàng.
Anh Phan Thành Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược – Vật tư y tế Đắk Lắk (bìa trái) kiểm tra các sản phẩm thuốc của đơn vị được trưng bày tại cửa hàng.

Đối với Hợp tác xã Giống cây trồng Thanh niên Hòa Thắng, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột thì khó khăn lớn nhất không phải vấn đề vốn mà là quỹ đất để sản xuất và trưng bày cây giống. Trong số 10 xã viên hiện chỉ có 2 người có mặt bằng để sản xuất cây giống, những người còn lại đều phải thuê đất sản xuất với giá 120 triệu đồng/ha/năm. Anh Phùng Văn Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã cho hay, nếu thuê đất ở khu vực trung tâm hoặc ngoài mặt đường sẽ tiện cho việc trưng bày, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm, nhưng vì giá thuê cao, 200 triệu đồng/ha/năm nên các xã viên phải thuê đất trong hẻm và ở nhiều khu khác nhau.

Ngoài những khó khăn trên, trong thực tế, những doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp, nhất là các bạn trẻ còn thiếu và yếu về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm… để có thể biến ý tưởng thành hiện thực. Bạn Nguyễn Thị Thanh Nga, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột chọn khởi nghiệp bằng bán hàng online trên Facebook thừa nhận: Bán hàng online khá đơn giản, không cần mặt bằng, không cần website, chỉ với một fanpage Facebook đã có thể kinh doanh nhưng do chưa có kinh nghiệm chọn mặt hàng để bán cũng như kiến thức về thị trường, các công cụ bán hàng online hay cách lập kế hoạch bán hàng, cách quản lý… nên cũng không ít lần “lao đao”.

Nỗ lực khẳng định mình

Sau khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược - Vật tư y tế Đắk Lắk (Bamepharm), anh Phan Thành Trinh (SN 1979) đã đặt ra quyết tâm đưa công ty trở thành doanh nghiệp số một trong thị trường dược khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong giai đoạn 2017-2021. Để khẳng định, phát triển thương hiệu, anh đã yêu cầu toàn thể cán bộ nhân viên tích cực đổi mới, sáng tạo, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ rồi đến cung cấp dịch vụ, đồng thời phát triển hệ thống phân phối rộng khắp và ứng dụng công nghệ thông tin một cách tối đa trong các hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi năm Bamepharm đều có một chương trình thi đua hướng đến thực hiện thông điệp năm, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho 200 cán bộ, công nhân viên, tạo động lực, môi trường để người lao động làm việc và cống hiến. Nhờ vậy, hiện nay, Bamepharm đã trở thành đơn vị đứng đầu trong số các doanh nghiệp dược địa phương với hơn 800 nhà thuốc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk – Đắk Nông.

Anh Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Vận tải Tín Nghĩa trao đổi với nhân viên về dịch vụ sửa chữa săm lốp của cửa hàng.
Anh Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Vận tải Tín Nghĩa trao đổi với nhân viên về dịch vụ sửa chữa săm lốp của cửa hàng.

 

 

Chính tinh thần khởi nghiệp và khát khao khẳng định mình đã giúp chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác vượt qua khó khăn, lan tỏa phong trào khởi nghiệp, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội và công tác an sinh xã hội của tỉnh”.

 
 

Ông Nguyễn Văn Khoa,

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Bên cạnh điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, anh Trinh còn phát huy vai trò của Phó Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ tỉnh, Ủy viên Ủy ban Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, tổ chức nhiều hoạt động từ thiện xã hội, hướng về các đối tượng yếu thế trong xã hội. Với những đóng góp của mình, năm 2017, anh Trinh vinh dự là 1 trong 10 doanh nhân xuất sắc nhất trong tốp 100 doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu được trao tặng Giải thưởng Sao đỏ. “Mỗi người nói chung và doanh nhân nói riêng đều mang trong mình một tinh thần khởi nghiệp. Vì vậy, dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức, bản thân mỗi doanh nhân hãy nỗ lực vươn lên khẳng định mình. Đó là con đường ngắn nhất để đi đến thành công”, anh Trinh chia sẻ.

Với tinh thần và quyết tâm khởi nghiệp, lập nghiệp nhiều doanh nhân trẻ của tỉnh cũng đã gặt hái được thành công trên con đường mình đã chọn như: anh Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Vận tải Tín Nghĩa – người cũng được trao Giải thưởng Sao đỏ năm 2017; anh Phạm Đông Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước; anh Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và trang trí nội thất Phước Nhật Long; chị Nguyễn Thị Lan Phương, chủ cơ sở kinh doanh Classis Coffee…

(còn nữa)

Nguyễn Xuân

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.