Multimedia Đọc Báo in

Về đích nông thôn mới bằng những bước đi phù hợp

09:09, 15/03/2018

Sau 7 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn và đời sống người dân xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc) có nhiều khởi sắc và hoàn thành 19/19 tiêu chí để cán đích NTM.

Năm 2011, khi mới bắt tay vào xây dựng NTM xã Ea Kênh chỉ đạt 7/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM (gồm các tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, hệ thống tổ chức chính trị xã hội, quốc phòng và an ninh). Trong 12 tiêu chí còn lại, nhiều tiêu chí rất khó thực hiện, đặc biệt là những tiêu chí liên quan đến cơ sở vật chất như giao thông, thủy lợi, trường học… Đời sống kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 23,3%, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 18,6 triệu đồng/năm, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và hoàn chỉnh, hệ thống đường giao thông được bê tông hóa chỉ đạt 25,6%, nhà văn hóa thôn, buôn xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu hoạt động…

 Một tuyến đường  tại buôn Đrao được người dân, thanh niên tình nguyện đóng góp ngày công xây dựng.
Một tuyến đường tại buôn Đrao được người dân, thanh niên tình nguyện đóng góp ngày công xây dựng.

Mặc dù có xuất phát điểm thấp nhưng những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ea Kênh đã tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện chương trình. Đặc biệt là quan tâm đến việc nâng cao đời sống, dân trí cho người dân, hoàn thành tiêu chí văn hóa, thu nhập… làm cơ sở, động lực để hoàn thành các tiêu chí còn lại.

Là xã thuần nông, Ea Kênh xác định đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập. Trong những năm qua, xã đã tích cực thực hiện nhiều đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng có hiệu quả các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Toàn xã có hơn 1.800 ha diện tích đất nông nghiệp thuộc xã quản lý chủ yếu trồng độc canh cây cà phê, năng suất chỉ đạt 2 tấn/ha, nhiều vùng không mang lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt là một số diện tích vườn tạp tại 5 buôn đồng bào dân tộc tại chỗ của xã. Năm 2014, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết số 68 về việc phát triển kinh tế nông nghiệp – chuyển đổi cây trồng vật nuôi, mạnh dạn chọn 5 hộ gia đình tại 5 buôn có diện tích vườn tạp không mang lại hiệu quả, cử cán bộ nông nghiệp đến tận nơi, sâu sát và hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp nhằm phát huy hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Từ 5 mô hình ban đầu, đến nay nhiều hộ ở 5 buôn đã học tập cải tạo vườn tạp đạt hiệu quả với nhiều loại cây trồng mới như tiêu, sầu riêng… Bên cạnh đó, địa phương khuyến khích trồng mới hoặc cưa ghép giống cà phê cao sản để đạt năng suất bình quân 2,5 – 3,5 tấn/ha cho diện tích cà phê già cỗi. Đây là một trong những chủ trương đúng đắn và cách làm hay của xã góp phần giúp đời sống người dân từng bước được nâng lên. Cũng nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm còn 5,7%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với năm 2011 đạt mức 35 triệu đồng/năm. Từ khi thu nhập của người dân được nâng lên, xã đẩy mạnh triển khai thực hiện các tiêu chí về an sinh xã hội như y tế, điện, trường học, nhà ở dân cư… nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cán bộ nông nghiệp xã vào tận nơi hướng dẫn cách chăm sóc vườn tiêu cho ông Y Thép Bkrông (bìa phải).
Cán bộ nông nghiệp xã vào tận nơi hướng dẫn cách chăm sóc vườn tiêu cho ông Y Thép Bkrông (bìa phải).

 

Khi nội lực còn hạn chế, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã xác định làm đến đâu chắc đến đó, quyết tâm không để nợ đọng trong xây dựng cơ bản, tập trung hoàn thiện những tiêu chí ít vốn trước.

Đến cuối năm 2016, xã còn 2 tiêu chí cuối cùng để cán đích NTM là tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa và giao thông, trong đó tiêu chí giao thông được đánh giá là khó khăn nhất. Toàn xã có 114,58 km đường giao thông, trong đó có hơn 100 km là đường trục thôn, xóm, nội đồng phần lớn là đường nhỏ hẹp nên việc mở rộng, cứng hóa đường giao thông lại càng khó. Chính vì vậy, trong 7 năm qua xã đã huy động tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án trên địa bàn, đặc biệt là vận động sự tham gia đóng góp tích cực của nhân dân trong việc hiến đất, kinh phí và ngày công lao động. Với phương châm “dân biết, dân làm, dân hưởng thụ”, ngay khi tiến hành làm đường, người dân thôn Tân Đức đã tự nguyện giải tỏa hàng rào, cổng ngõ và các công trình trên đất rồi thuê xe san ủi, lu nền sau đó tự đứng ra giám sát, thi công hoàn chỉnh. Ông Nguyễn Văn Nhân, trưởng thôn Tân Đức cho hay, không chỉ hiến đất mở rộng đường, nhiều hộ gia đình còn tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động để chung sức xây dựng đường giao thông. Đi đầu trong phong trào này có gia đình ông Trần Ngọc Anh đã đóng 30 triệu đồng và 20 ngày công lao động. Nhờ sự quyết tâm, chung sức của người dân địa phương, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, toàn xã Ea Kênh hiện có 87,56% đường xã, hơn 50% đường ngõ xóm, nội đồng… được bê tông hóa và cứng hóa, bảo đảm thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân. Đến cuối năm 2017, xã Ea Kênh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí với tổng kinh phí là 76,1 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 14 tỷ đồng, cùng hàng ngàn ngày công lao động chiếm 18,34% tổng số vốn.

Có thể nói, những chủ trương đúng đắn, linh hoạt của lãnh đạo địa phương cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân chính là nguyên nhân cơ bản để phát huy hiệu quả các nội lực cho mục tiêu phát triển; đây cũng là bài học cho nhiều địa phương có xuất phát điểm thấp trong xây dựng NTM.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.