Multimedia Đọc Báo in

Hòa Hiệp - một điểm sáng về giảm nghèo

09:00, 26/04/2018

Xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) có 8 thôn, buôn, trong đó có 2 buôn đồng bào dân tộc thiểu số và 6 thôn người Kinh.

Trước đây,  ở các thôn, buôn đặc biệt khó khăn của xã như thôn Hiệp Tân, buôn Kpung và buôn Cư Knao, tỷ lệ đói nghèo ở mức cao. Trước tình hình đó, xã Hòa Hiệp đã triển khai nhiều biện pháp xóa đói giảm nghèo, phát huy lợi thế sẵn có của địa phương để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội và khuyến khích, động viên các hộ nghèo, khó khăn vươn lên.

 Đến buôn Cư Knao hôm nay có thể thấy sự đổi thay rõ rệt: những con đường bê tông trải dài khang trang, những mái nhà thuộc Chương trình 167 nằm thấp thoáng giữa những hàng cây xanh tốt... Trưởng buôn Y Tim Hlong phấn khởi: “So với khoảng 5-6 năm trước thì buôn Cư Knao bây giờ khác nhiều lắm rồi. Cái đói, cái nghèo đang dần được đẩy lùi, nhiều gia đình làm ăn khá giả hơn trước, đã sắm được tiện nghi đắt tiền như: ti vi, xe máy, máy cày…”. Buôn Cư Knao có 121 hộ với gần 718 nhân khẩu. Trước đây, cuộc sống người dân trong buôn rất khó khăn bởi nương rẫy ít ỏi, đất đai cằn cỗi, chủ yếu trông vào nguồn thu nhập từ đi làm thuê. Mấy năm trở lại đây, nhờ có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ các Chương trình 134, 135, 167, 54, 102, 755…; lại biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm nên bà con có thêm thu nhập, cuộc sống ngày càng khởi sắc. Người dân trong buôn còn được hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ nên thu nhập ngày càng ổn định. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, từ 111 hộ nghèo năm 2015 giảm xuống còn 68 hộ vào cuối năm 2017.

Tỷ lệ hộ nghèo ở Hòa Hiệp đã giảm rõ rệt, từ 11,5% năm 2015 xuống còn 6,31% năm 2017. Những thành tích trong công tác giảm nghèo đã góp phần giúp Hòa Hiệp hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trong năm 2017.

Ở buôn Kpung, nơi tiếp giáp với buôn Cư Knao, cuộc sống của bà con trong buôn có nhiều đổi thay nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển chăn nuôi. Trưởng buôn Kpung Y Jưp Bđap nói: “Hiện nay bà con trong buôn đang tích cực phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và đẩy mạnh trồng lúa nước, trồng các loại cây màu khác như dưa hấu, sắn, ngô lai, đậu đỗ các loại… Nhiều hộ mạnh dạn đăng ký cho con em đi xuất khẩu lao động và làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, bà con còn chú trọng đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với chăn nuôi bò nên kinh tế của buôn cũng như của bà con ngày càng được nâng cao, nhiều hộ gia đình từ nghèo khó đã vươn lên trở thành hộ khá giả, xây được nhà khang trang, mua sắm những vật dụng đắt tiền”. Số lượng hộ nghèo ở buôn Kpung đã giảm mạnh, từ 116 hộ nghèo năm 2015 giảm xuống chỉ còn 55 hộ vào cuối năm 2017.

Mô hình chăn nuôi trang trại của gia đình bà Nguyễn Thị Hương, thôn Kim Phát.
Mô hình chăn nuôi trang trại của gia đình bà Nguyễn Thị Hương, thôn Kim Phát.

Ở các thôn như Đông Sơn, Giang Sơn, Hiệp Tân, Kim Phát, Thành Công và Thôn Mới, đều có những đổi thay rõ rệt. Đó là kết quả của sự phấn đấu, nỗ lực của cán bộ và nhân dân Hòa Hiệp, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách và chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo. Qua tuyên truyền, vận động, người dân xã Hòa Hiệp nhận thức được rằng muốn kinh tế - xã hội phát triển, cần phát huy nội lực và tiềm năng sẵn có, đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng. Từ đó, người dân đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, vay vốn để phát triển sản xuất, đầu tư tiền bạc và công sức để phát triển kinh tế hộ, tăng thêm thu nhập, từ nhiều nguồn khác nhau. Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao như: chăn nuôi heo theo hình thức trang trại, nuôi cá nước ngọt truyền thống, nuôi ếch, trồng rau sạch, mô hình trình diễn cánh đồng ICM gồm 20 ha ở thôn Đông Sơn và hơn 120 mô hình chăn nuôi gia trại…

Ông Hà Mạnh Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp nhấn mạnh, để giảm nghèo hiệu quả, trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và quản lý, điều hành của chính quyền, phải biết người dân thiếu cái gì, nguyên nhân từ đâu để tìm ra cách làm hợp lý và mô hình hiệu quả. Đối với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, phải cử cán bộ về tận thôn, buôn để kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện, đảm bảo đúng đối tượng và mục đích. Trong thời gian tới, Hòa Hiệp tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và đa dạng hóa các loại cây trồng; giúp người nông dân nâng cao kiến thức, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới áp dụng vào sản xuất chăn nuôi trồng trọt, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Hồng Khanh


Ý kiến bạn đọc