Multimedia Đọc Báo in

Khoanh vùng cấm khai thác cát: Mạnh tay để bảo vệ bờ sông (Kỳ 1)

08:49, 23/04/2018

Trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép có nhiều diễn biến phức tạp trong thời gian qua, việc khoanh vùng cấm khai thác cát, sỏi tại một số khu vực là giải pháp vừa nâng cao trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương vừa bảo vệ tiềm năng khoáng sản trước mắt và lâu dài. 

Kỳ 1: Tàu cát “ngoạm” cả bờ sông

Những năm qua, hoạt động khai thác cát kiểu tận thu, thiếu kiểm soát của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang tạo ra nhiều hệ lụy nặng nề về môi trường, làm gia tăng tình trạng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến việc sản xuất, canh tác của người dân.

Nhức nhối nạn khai thác cát trái phép

Tại huyện Krông Ana, hoạt động khai thác cát diễn ra khá rầm rộ với 6 đơn vị được cấp giấy phép khai thác cát xây dựng trên sông Krông Ana và sông Krông Nô đoạn qua địa bàn xã Dur Kmăl, Quảng Điền, Bình Hòa và thị trấn Buôn Trấp, với tổng chiều dài gần 55 km, công suất khai thác 193.000 m3/năm. Trong đó, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Vật liệu xây dựng Sông Núi có chiều dài khai thác 16 km; DNTN thương mại Minh Lợi gần 9 km; DNTN Trung Thiện hơn 4 km; Hợp tác xã (HTX) sản xuất vật liệu xây dựng Phúc Lợi: 6,7 km; HTX Đoàn Kết hơn 4 km; Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Tây Nguyên 14,5 km.

Mặc dù địa phương đã khoanh định vùng được phép khai thác, thế nhưng trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, tác động đến dòng sông cũng như gây sạt lở đất canh tác của người dân. Một trong những điểm nóng về khai thác cát là đoạn sông Krông Nô, tiếp giáp giữa xã Ea R’bin, huyện Lắk và xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông). Trên đoạn sông chưa đầy 1 km mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu hút cát khiến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Còn sông Krông Ana đoạn chảy qua địa bàn huyện Cư Kuin có tổng chiều dài hơn 17 km, trong đó điểm nóng về khai thác cát là  khu vực cầu Giang Sơn. Việc hàng chục tàu, thuyền của các doanh nghiệp không được cấp phép vẫn ngang nhiên khai thác và tập kết dưới chân cầu đã dẫn đến tình trạng sạt lở, lún chân cầu và đất sản xuất của người dân dọc hai bên bờ sông...

Tàu khai thác cát tập kết gần khu vực cầu Giang Sơn (huyện Cư Kuin).
Tàu khai thác cát tập kết gần khu vực cầu Giang Sơn (huyện Cư Kuin).

Có một điều rất đáng lo ngại là bên cạnh phần lớn người dân bức xúc trước việc khai thác cát quá mức ảnh hưởng đến diện tích đất của gia đình mình thì vẫn có không ít cá nhân vì lợi ích trước mắt đã thỏa  thuận bán đất (dọc bờ sông) cho các doanh nghiệp để họ khai thác cát. Thực trạng này đã và đang diễn ra ở một số địa phương trong tỉnh nhưng chưa được kiểm tra, xử lý quyết liệt.

Những hệ lụy khôn lường

Hệ lụy của việc khai thác cát, sỏi trên các dòng sông đang ngày càng hiện hữu khi bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng; đất sản xuất của người dân bị ăn sâu, trôi theo dòng chảy. Thực tế này đang diễn ra trên dòng sông Krông Ana đoạn chảy qua địa phận 3 huyện: Lắk, Krông Bông, Cư Kuin. Những năm trở lại đây, nhiều đoạn sông đang bị “bức tử” bởi hoạt động khai thác cát bừa bãi, trái phép. Việc khai thác này không chỉ khiến dòng chảy liên tục bị thay đổi, gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông mà còn ăn sâu vào đất sản xuất của người dân ở khu vực hai bên bờ sông.

Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh hiện có 66 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực; trong đó có 17 giấy phép khai thác cát, tập trung khai thác chủ yếu ở sông Krông Ana, Krông Nô, Krông Bông…

Theo người dân ở xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin), trước đây dòng sông chỉ rộng khoảng vài chục mét nhưng do tình trạng khai thác cát tràn lan, thiếu kiểm soát nên những năm gần đây hai bên bờ sông liên tục bị sạt lở khiến nhiều đoạn lòng sông mở rộng hơn cả trăm mét. Thực tế cho thấy, có nhiều điểm bị khai thác cát quá mức nên khoét vào bờ hàng chục mét tạo thành các hố sâu. Cụ thể, dọc theo sông Krông Ana đoạn qua thôn Đông Sơn (xã Hòa Hiệp), bờ sông bị sạt lở rất nghiêm trọng; đặc biệt, nhiều ruộng vườn của người dân khu vực này không thể canh tác được bởi mối nguy hiểm rình rập, chực chờ khi những thửa ruộng gần bờ sông đã bị đào mất chân, bất cứ lúc nào cũng có thể đổ sụp và bị lòng sông nuốt chửng. Trên địa bàn xã Hòa Hiệp hiện có 19 khu vực bị sạt lở bờ sông được cắm biển cấm khai thác cát với tổng chiều dài 3,2 km.

Một đoạn bờ sông ở khu vực thôn Đông Sơn (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) bị sạt lở nghiêm trọng.
Một đoạn bờ sông ở khu vực thôn Đông Sơn (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) bị sạt lở nghiêm trọng.

Trên sông Krông Nô đoạn qua địa phận xã Ea R’bin (huyện Lắk) tình trạng sạt lở đã và đang ảnh hưởng đến nhiều hộ dân sinh sống dọc bờ sông. Nếu tình trạng sạt lở này cứ tiếp tục diễn ra thì có những căn nhà có thể đổ sập xuống lòng sông bất cứ lúc nào. Do đó, để bảo đảm tính mạng và tài sản của mình, một số hộ dân đã di dời nhà cửa lùi vào bên trong, nhưng với các hộ khó khăn thì đây là điều không dễ.

Ông Nguyễn Văn Vương, Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường  huyện Lắk cho biết, trên địa bàn huyện, ngoài 3 khu vực sạt lở (tại xã Yang Tao và Đắk Liêng) với tổng chiều dài gần 2.000 mét đã được cắm biển cấm khai thác cát thì mới đây, qua rà soát địa phương phát hiện thêm 24 khu vực tại 5 xã (dọc bờ sông Krông Nô và Krông Ana) bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài trên 10.000 mét. Cụ thể, xã Yang Tao có 2 điểm đã sạt lở với chiều dài 680 mét; xã Đắk Liêng có 6 điểm đã sạt lở với chiều dài trên 3.000 mét; xã Nam Ka 1 điểm đã sạt lở với chiều dài gần 4.000 mét; xã Buôn Triết 4 điểm đã sạt lở với chiều dài 472 mét; xã Ea R’bin 9 điểm đã sạt lở và 2 điểm có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài gần 2.000 mét. Cũng theo ông Vương, toàn huyện hiện có 5 doanh nghiệp khai thác khoáng sản được cấp phép; trong đó có 4 đơn vị khai thác cát lòng sông. Nếu không chấn chỉnh hoạt động khai thác cát thì không chỉ sạt lở bờ sông, đất sản xuất mà còn đe dọa đến nhà ở của rất nhiều hộ dân.

 (Còn nữa)

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.