Multimedia Đọc Báo in

Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

09:52, 28/04/2018

Nhằm tạo ra nguồn nông sản chất lượng, nâng cao giá trị và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, những năm gần đây, TP. Buôn Ma Thuột  tích cực vận động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, đơn vị ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Hiệu quả từ mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Đam mê khởi nghiệp mô hình nông nghiệp bền vững từ khi còn là sinh viên khoa Nông Lâm của trường Đại học Tây Nguyên, sau khi tốt nghiệp, anh Đinh Huy Hoàng (Công ty TNHH H.T Farm) đã mạnh dạn đến buôn Ky, phường Thành Nhất thuê đất, đầu tư hàng trăm triệu đồng làm nhà ươm giống, xưởng sơ chế và lắp đặt hệ thống nhà lưới tưới tự động để trồng rau hữu cơ. Dù giá cả cao hơn so với rau ngoài thị trường nhưng sản phẩm rau hữu cơ của Công ty vẫn tìm được đầu ra khi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và nhiều khách hàng lẻ đã tìm đến tận vườn để mua. Trồng rau theo phương pháp này, anh Hoàng không dùng các chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu mà chỉ sử dụng hỗn hợp tỏi, gừng, ớt pha với rượu trắng xịt vào cây để chống sâu bệnh và cũng dễ bị rửa trôi, không ảnh hưởng sức khỏe người dùng.  Đồng thời, anh Hoàng còn tận dụng các phụ phẩm để nuôi hơn 50 con heo rừng lai. Ngoài việc bán hàng qua mạng, hệ thống cửa hàng rau sạch tại TP. Buôn Ma Thuột, Công ty đã mở rộng thị trường cung cấp rau sạch đến TP. Hồ Chí Minh.

Đoàn  cán bộ TP. Buôn Ma Thuột tham quan  mô hình trồng dưa lưới ở phường Tân Hòa.
Đoàn cán bộ TP. Buôn Ma Thuột tham quan mô hình trồng dưa lưới ở phường Tân Hòa.

Hiện nhiều mô hình trồng rau sạch cũng được người dân, doanh nghiệp ứng dụng chuyển giao, phát triển mạnh trên địa bàn thành phố như: mô hình rau thủy canh của anh Phan Nguyên Bic (phường Ea Tam);  mô hình rau thủy canh, bán thủy canh của Công TNHH Nông nghiệp xanh Tín Phương (xã Cư Êbur) hay như Công ty TNHH Ban Mê Green Farm của chị Nguyễn Thị Thái Thanh (phường Tân Thành) với hoạt động chính là chuyển giao công nghệ trồng rau thủy canh đến những hộ gia đình có nhu cầu về sản xuất rau sạch…

Một trong những  công nghệ đang được nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh nói chung, TP. Buôn Ma Thuột nói riêng ứng dụng rộng rãi là sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm trong trồng trọt. Đơn cử như  gia đình ông Y Drin Niê (buôn Ko Tam, xã Ea Tu), từ khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm trên 5 sào cà phê đã tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất khi lượng nước sử dụng chỉ bằng khoảng 2/3 so với những năm trước. Ngoài ra, hệ thống tưới này còn giúp ông không phải tốn công rải phân bón cho từng gốc mà chỉ cần pha phân bón theo đúng liều lượng vào bồn và bật hệ thống tưới nước, dưỡng chất sẽ được dẫn đến từng gốc cà phê, hạn chế thấp nhất việc lãng phí, thất thoát. Được biết, đây là mô hình lắp đặt thí điểm do Trạm Khuyến nông thành phố phối hợp với Công ty Đăk Gia Phát thực hiện với tổng chi phí khoảng 25 triệu đồng; trong đó gia đình ông chỉ phải chi trả 15%.

Cần thêm những chính sách hỗ trợ người dân

Có thể nói, những năm qua các ban, ngành của thành phố đã tích cực phối hợp, chuyển giao tiến bộ KHKT giúp nông dân phát triển sản xuất. Đơn cử như phối hợp với Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông  triển khai mô hình ứng dụng bóng đèn compact ánh sáng đỏ 20W chuyên dụng cho cây thanh long thay cho bóng đèn tròn 60W. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng trên 70% diện tích thanh long tại xã Cư Êbur, giúp giảm hơn 60% điện năng dùng kích thích ra hoa trái vụ cho cây thanh long. Hay các mô hình: nuôi dê lai sinh sản, ủ thức ăn cho bò, ghép cải tạo cà phê, đệm lót sinh học trong chăn nuôi... được triển khai có hiệu quả và nhân rộng trong các hộ dân.

Mô hình hoa lan Mokara của một hộ dân tại Tổ dân phố 4,  phường Tân Thành.
Mô hình hoa lan Mokara của một hộ dân tại Tổ dân phố 4, phường Tân Thành.

Bà Hồ Thị Cẩm Lai, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Trung bình mỗi năm thành phố đầu tư, hỗ trợ khoảng 1 tỷ đồng để tổ chức tập huấn, chuyển giao, thực hiện các mô hình điểm, trong đó chú trọng phát triển những sản phẩm chủ lực của địa phương như rau sạch, cà phê, heo, gà để gia tăng giá trị đầu ra”. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 200 trang trại, mô hình đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi và bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt so với sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đối với phần lớn các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn như: chi phí đầu tư cao gấp 3-4 lần so với phương pháp truyền thống; nguồn nhân lực am hiểu về khoa học, kỹ thuật không nhiều nên hầu hết các mô hình đều còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; chiến lược quảng bá rộng rãi để người tiêu dùng biết đến chất lượng, lợi ích của việc sử dụng rau thủy canh chưa thực sự mạnh...

Thiết nghĩ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng đắn, bền vững để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, giúp tiết kiệm nhân công, thời gian và hạn chế sâu bệnh. Song ngoài sự nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương cũng rất cần những chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước trong việc liên kết sản xuất, tìm đầu ra ổn định để người dân yên tâm sản xuất

Theo Chương trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông lâm nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 của UBND TP. Buôn Ma Thuột, đến năm 2020 có 95% hộ nông dân sản xuất cà phê và 100% hộ nông dân sản xuất tiêu tiếp cận các tiến bộ KHKT ứng dụng vào sản xuất; 80% số hộ cá nhân, trang trại, doanh nghiệp áp dụng các tiến bộ KHKT trong chăn nuôi...

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.