Multimedia Đọc Báo in

Cấp bách đổi mới ngành mía đường (Kỳ 1)

08:48, 03/05/2018

Ngành Mía đường đang trong cơn bĩ cực, khó khăn bủa vây các nhà máy chế biến và người trồng mía. Ngành công nghiệp này cần đổi mới, tái cơ cấu một cách cấp thiết nhằm tăng sức cạnh tranh trước sức ép của tự do thương mại toàn cầu.

Kỳ 1: Đường trắng “đắng” trên… sân nhà

Mặc dù đã cảnh báo từ lâu, nhưng trước ngưỡng cửa hội nhập, ngành Mía đường cả nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng vẫn chưa có những thay đổi mang tính đột phá nên khi đường thế giới tràn vào thì đường nội không cạnh tranh nổi về giá cả và để thất thế ngay trên sân nhà.

Tồn kho hàng chục ngàn tấn đường

Từ ngày 1-1-2018, các cam kết tự do thương mại chính thức có hiệu lực, hạn ngạch nhập khẩu đường được dỡ bỏ, thuế xuất nhập khẩu đường từ các nước trong khu vực ASEAN vào thị trường Việt Nam từ 30% xuống còn 5% và đến năm 2020 là bằng 0%. Theo đó, đường nhập khẩu từ các nước trong khu vực, nhất là từ Thái Lan (giá rẻ hơn đường trong nước) ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam. Điều này khiến giá đường giảm, tiêu thụ gặp khó khăn dẫn đến tình trạng tồn kho với số lượng lớn. Tình hình này buộc các nhà máy đã phải bán đường với giá thấp, thậm chí chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn tái đầu tư sản xuất, nhưng lượng hàng bán được vẫn rất hạn chế, có nhà máy phải giãn tiến độ, sản xuất cầm chừng.

Ông Võ Phụng Thông (thôn 2, xã Ea Sô, huyện Ea Kar) đang gom mía cây chờ vận chuyển.
Ông Võ Phụng Thông (thôn 2, xã Ea Sô, huyện Ea Kar) đang gom mía cây chờ vận chuyển.

Nhà máy chế biến đường ERS của Công ty Cổ phần Mía đường 333 (huyện Ea Kar), công suất 3.500 tấn mía/ngày, sản lượng 45.000 tấn đường/năm, sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Từ khi chạy máy ép vụ mới đến đầu tháng 4-2018, nhà máy đã sản xuất được 23.000 tấn đường, nhưng mới chỉ bán được 8.000 tấn, còn lại vẫn chất trong kho. Số lượng hàng bán ra không nhiều, thêm vào đó giá bán tại kho cũng chỉ đạt 10.600 đồng/kg (cả thuế), trong khi thời điểm này năm trước, giá đường ở mức 14.000 đồng/kg, công ty vẫn bán được hàng. Ông Đoàn Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc công ty than thở, giá đường ở thời điểm hiện tại tương đương giá thành sản xuất, công ty chấp nhận bán lỗ để giải phóng bớt hàng trong kho và phải chật vật xoay xở, tổ chức duy trì sản xuất.

Tương tự tại Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk việc tiêu thụ đường cũng hết sức chậm. Những năm trước, trong vụ sản xuất mỗi ngày Công ty bán ra vài trăm tấn đường thành phẩm, nay giảm xuống chỉ còn vài chục tấn. Mặc dù công ty đã chấp nhận hạ giá thành, chịu lỗ mỗi ki-lô-gam đường khoảng 500-600 đồng, nhưng hiện lượng tồn  kho vẫn rất lớn. Ông Nguyễn Bá Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk nhận định: “Chưa năm nào ngành Mía đường khó khăn như năm nay”.

Chưa đủ mạnh để cạnh tranh

Lường trước được tình trạng cạnh tranh khốc liệt khi sản phẩm đường bước vào sân chơi mậu dịch tự do, các doanh nghiệp mía đường trên địa bàn tỉnh đã có những động thái chuẩn bị từ trước. Đối với Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk, để bước vào niên vụ này, sau khi kết thúc vụ ép 2016 – 2017, công ty đã khẩn trương di dời nhà máy từ Đắk Nông đến xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, vị trí ở chính giữa vùng nguyên liệu. Nhờ đó, tiết kiệm được phần lớn chi phí vận chuyển mía nguyên liệu đến nhà máy, giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 10-15%. Bên cạnh đó, Công ty cũng đầu tư 1 máy nhiệt điện 6 MW chạy bằng bã mía nên đã tự túc được điện phục vụ sản xuất, giúp kéo giảm chi phí sản xuất, nhưng giá đường thành phẩm của nhà máy ra thị trường vẫn “lép vế ” so với đường ngoại.

Bốc dỡ mía nguyên liệu tại Công ty  Cổ phần  Mía đường Đắk Lắk.
Bốc dỡ mía nguyên liệu tại Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Mía đường 333 tiến hành nâng công suất nhà máy từ 2.500 tấn mía/ngày lên 3.500 tấn mía/ngày; đồng thời cải tiến công nghệ, dây chuyền thiết bị nhập khẩu từ châu Âu, Ấn Độ nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Những giải pháp đã góp phần giúp các nhà máy kéo giảm giá thành đường trắng bán ra thị trường, tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ bởi những “yếu huyệt” căn cơ của ngành Mía đường vẫn chưa được khắc phục.

Theo tính toán, để các nhà máy đường có thể sản xuất hiệu quả cần có công suất ép từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên, nhưng cả 2 nhà máy đường tại địa phương chưa đạt đến công suất này.  Bên cạnh đó, khả năng thu hồi đường trong cây mía còn thấp, cụ thể, các nhà máy này chỉ có thể chuyển hóa 10 kg mía cho ra 1 kg đường, trong khi với công nghệ hiện đại thì tiêu chuẩn có thể đạt 7-8 kg mía cho 1 kg đường. Chưa kể, trình độ chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm ngoài đường còn hạn chế. Ngoài việc sản xuất đường và bán mật rỉ, các công ty chưa có khả năng sản xuất các sản phẩm sau đường hoặc tận dụng nguồn nguyên liệu bã mía và phế phẩm để sản xuất các sản phẩm khác nhằm tăng hiệu quả kinh tế.

Yếu tố cơ bản nhất khiến đường sản xuất trong nước thua hẳn đường nhập khẩu là chi phí đầu vào sản xuất quá cao. Cụ thể, mỗi héc ta mía trồng ở nước ngoài khi về đến nhà máy chỉ đầu tư khoảng 30 triệu đồng, trong khi người trồng mía trong nước phải “đổ”  35 – 40 triệu đồng cho mỗi ha. Do đó, tại thời điểm này giá mía ở nước ngoài chỉ khoảng 600.000 đồng/tấn, trong khi các nhà máy trong nước phải mua với giá gần 800.000 đồng/tấn. Trong ngành mía đường, nguyên liệu mía chiếm đến 70 - 80% giá thành sản xuất, nên đường của Việt Nam không cạnh tranh được về giá so với đường ngoại.

(Còn nữa)

Minh Thông - Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.