Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar chú trọng phát triển kinh tế tập thể

08:07, 28/05/2018

Trong những năm qua, các loại hình kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn huyện Ea Kar đã phát huy tốt vai trò trong việc tập hợp nông dân, tìm kiếm đầu ra cho nông sản, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Xuất hiện nhiều hợp tác xã điển hình

Với mong muốn xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả có uy tín, có thương hiệu và đạt tiêu chuẩn cao của huyện Ea Kar, năm 2013, Hợp tác xã Nông nghiệp thương mại, dịch vụ, vận tải Thành Công (HTX Thành Công) được thành lập nhằm tập hợp người dân trồng, phát triển cây ăn quả có múi để phát huy lợi thế của địa phương. Từ khi tham gia vào HTX, các thành viên đã được hướng dẫn cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo chất lượng nông sản, đem lại lợi nhuận cao, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu. Hiện HTX có 19 thành viên, với 90 ha đất trồng cam, quýt, bưởi, trong đó có 50 ha đang trong thời kỳ thu hoạch.

Sau 4 năm hoạt động, HTX đã được Trung tâm Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản vùng 2 cấp Giấy chứng nhận “Sản xuất cam, quýt, bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP”. Đây cũng là một trong hai HTX trên địa bàn tỉnh được Liên minh HTX Việt Nam lựa chọn làm mô hình thí điểm phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Các sản phẩm của HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Hợp Nhất (xã Ea Ô) được giới thiệu trong Phiên chợ hàng Việt về miền núi năm 2018 tại huyện Ea Kar.
Các sản phẩm của HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Hợp Nhất (xã Ea Ô) được giới thiệu trong Phiên chợ hàng Việt về miền núi năm 2018 tại huyện Ea Kar.

Theo đó, HTX tiến hành sản xuất theo quy trình VietGAP trên tổng diện tích 7,8 ha cho 8 hộ thành viên, dưới sự hướng dẫn của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản giúp sản phẩm cam, quýt đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đề ra, đưa thu nhập của các thành viên tăng lên đáng kể. Ông Trương Phú Định, Giám đốc HTX Thành Công cho biết: “Trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng nhà sơ chế, đóng gói sản phẩm, nhận diện thương hiệu sản phẩm của HTX; mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển theo hướng sản xuất gắn với chuỗi giá trị”.

HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Hợp Nhất (xã Ea Ô) được thành lập năm 2007, với hoạt động chủ yếu là sản xuất rau, củ, quả, trà an toàn; cung cấp giống cây trồng, vật nuôi. Trong quá trình sản xuất, các thành viên đều phải có lịch ghi chép cụ thể thời gian trồng, chăm sóc nhằm bảo đảm đạt tiêu chuẩn an toàn. Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật, giống cây, cung ứng vật tư nông nghiệp, HTX còn tạo điều kiện cho các thành viên tham quan các mô hình trồng rau an toàn trong và ngoài tỉnh cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. HTX đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đặc biệt, sản phẩm trà thảo mộc Xuân Sang của HTX được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2017.

Ngoài ra còn có một số HTX như: HTX Nông lâm nghiệp Ea Sô, HTX Nông nghiệp 714, HTX Sản xuất và chế biến ca cao Ea Kar… đã thể hiện được vai trò kết nối cung ứng các vật tư đầu vào cũng như tiêu thụ các sản phẩm cho người dân.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các hợp tác xã

Theo thống kê của Phòng NN-PTNN huyện Ea Kar, trên địa bàn hiện có 30 HTX và 11 Tổ hợp tác (THT); trong đó có 25 HTX nông nghiệp và 5 HTX phi nông nghiệp, 28 HTX hoạt động theo Luật HTX 2012. Từ đầu năm đến nay, có thêm 3 HTX được thành lập mới, có 2 HTX ngừng hoạt động chờ giải thể. Phần lớn các HTX đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như: trồng cây ăn quả, chăn nuôi, cung ứng dịch vụ vật tư nông nghiệp, liên kết trong chuỗi sản xuất… nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giúp nhau phát triển kinh tế.

Người dân xã Cư Elang thu hoạch quýt.
Người dân xã Cư Elang thu hoạch quýt.

Trong những năm qua, các đơn vị chuyên môn của huyện đã phối hợp tổ chức 10 lớp tập huấn về kinh tế hợp tác, trên 100 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thành viên các HTX và THT để đẩy nhanh ứng dụng vào sản xuất; cử 40 lượt cán bộ quản lý các HTX, THT tham gia các lớp đào tạo, tập huấn do tỉnh tổ chức; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích đối với các HTX và THT mới thành lập; tạo điều kiện cho các HTX, THT được hưởng lợi từ các chương trình, dự án và đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ người trồng lúa nước, miễn thủy lợi phí … Nhờ đó, HTX đã từng bước củng cố, tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012, thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia, quy mô HTX từng bước được mở rộng; nhiều HTX đã đầu tư đổi mới trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật; chất lượng sản phẩm và dịch vụ của HTX ngày càng được nâng cao.

Trong định hướng phát triển KTTT thời gian tới, huyện đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các HTX thông qua hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để chuyển giao cho các HTX, THT; tăng cường hỗ trợ công tác khuyến nông, khuyến công, ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm…

Theo Đề án phát triển KTTT huyện Ea Kar giai đoạn 2017 – 2020, bình quân mỗi năm thành lập mới từ 1-2 HTX, ít nhất 4 THT; 100% số xã, thị trấn có HTX, THT hoạt động có hiệu quả; nâng tỷ lệ HTX hoạt động khá, giỏi lên trên 60%, giảm số HTX yếu kém xuống dưới 10%, số HTX làm ăn ổn định và có lãi từ 85 – 90%.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.