Multimedia Đọc Báo in

Mùa "lúa trắng" ở Ea Súp

08:13, 11/05/2018

Trận lốc xoáy xảy ra vào lúc 16 giờ 30 chiều 13-4-2018 trên địa bàn huyện Ea Súp khiến hàng ngàn héc-ta lúa đang chín rộ bị ảnh hưởng, gây thiệt hại lớn cho người nông dân.

Ea Súp là huyện biên giới, người dân chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là một trong những cây trồng chính của bà con. Vì vậy khi thiên tai xảy ra, nhiều gia đình gần như bị mất nguồn thu của nửa năm trời. Ông Phạm Sĩ Tùng (thôn 3, xã Ea Bung) có 2/5 ha lúa trúng luồng di chuyển của cơn lốc cho hay, lốc xoáy xảy ra trúng thời điểm lúa đang chín rộ, chỉ còn khoảng 5 ngày nữa là gặt nên gần như lúa bị rụng hết dưới gốc. Đến lúc thu hoạch, mỗi sào chỉ còn 8 túm (bao lúa buộc túm theo máy gặt), giảm 13 bao so với những ruộng kế bên không bị lốc xoáy. Với chi phí đầu tư 2,5 triệu đồng/sào thì gia đình coi như làm không công ròng rã 4 tháng trời.

Gia đình anh Nguyễn Trung Thành chuẩn bị lúa giống gieo vụ 3.
Gia đình anh Nguyễn Trung Thành chuẩn bị lúa giống gieo vụ 3.

Tương tự, anh Nguyễn Trung Thành (thôn 2, xã Ea Bung) cho biết, 2 ha lúa là nguồn thu nhập chính của cả nhà nên gia đình anh đã chuẩn bị đất, giống, phân bón cũng như thường xuyên thăm đồng để có biện pháp chăm sóc kịp thời, hy vọng lúa đạt hơn  năm ngoái (vụ đông xuân 2016-2017 đạt 7,5 tấn/ha). Thế nhưng chỉ trong một buổi chiều, toàn bộ 2 ha lúa của gia đình bị gió đánh đổ rạp giữa ruộng, lúa rụng đầy gốc, khi gặt chỉ thu được 6 túm/sào, giảm khoảng 16 bao so với những diện tích không bị ảnh hưởng. Điều đáng nói là phần lớn những hạt lúa chắc, chín sớm hơn đã bị rụng nên số lúa còn lại sau khi gặt là những hạt thuộc loại 3 trên bông lúa, thương lái cũng kén mua hơn. Để có chi phí trang trải sinh hoạt gia đình trong năm thì hiện tại gia đình anh đang chuẩn bị giống để gieo trồng vụ 3 trên diện tích hơn 1 ha của gia đình. Vụ 3 là vụ sản xuất trông chờ vào nước trời rất bấp bênh, tuy nhiên thiệt hại vụ đông xuân quá lớn buộc gia đình phải sản xuất thêm để có nguồn thu nhập mới bù vào. Ước tính chi phí đầu tư mỗi ha lúa dao động từ 20 - 25 triệu đồng, nếu phải thuê nhân công thì người trồng lúa bị lỗ hoàn toàn.

Gia đình ông Phạm Sĩ Tùng, thôn 3, xã Ea Bung có 2/5 ha lúa bị thiệt hại trên 70% do lốc xoáy.
Gia đình ông Phạm Sĩ Tùng, thôn 3, xã Ea Bung có 2/5 ha lúa bị thiệt hại trên 70% do lốc xoáy.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp,  vụ đông xuân 2017 - 2018, toàn huyện gieo trồng được gần 5.300 ha lúa, tập trung tại xã Ea Bung, Ea Rốk, Ea Lê, Ya Tờ Mốt, thị trấn Ea Súp… Xác định thời tiết xảy ra nhiều hiện tượng bất lợi, ngay từ đầu vụ chính quyền địa phương và người dân đã chủ động công tác làm đất, chuẩn bị giống, xây dựng lịch thời vụ dựa trên tình hình thời tiết và nguồn nước tưới tại các công trình thủy lợi trên địa bàn nên lúa sinh trưởng tốt, dự tính sẽ đem lại vụ mùa thắng lợi. Tuy nhiên trận lốc xoáy kèm mưa đá bất thường chiều tối 13-4 khiến 2.911 ha lúa bị ảnh hưởng (chiếm hơn 55% tổng diện tích lúa gieo trồng toàn huyện), trong đó 729 ha bị mất trắng. Diện tích thiệt hại tập trung theo luồng đi của lốc xoáy, trong đó xã Ea Bung thiệt hại lớn nhất với hơn 1.000 ha bị ảnh hưởng (trong đó 500 ha bị mất trắng); Ya Tờ Mốt gần 285 ha (170 ha mất trắng); Ea Lê 568 ha (40 ha mất trắng)… Ước năng suất bình quân toàn huyện giảm hơn 1 tấn xuống chỉ còn khoảng 6 tấn/ha.

Ông Trần Quang Trịnh, Phó Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cho biết, thời điểm xảy ra lốc xoáy, trên địa bàn huyện đã thu hoạch được hơn 500 ha và mùa vụ thu hoạch chỉ kéo dài hơn 1 tuần nên thiệt hại mang tính khắc nghiệt cao. Hiện tại một số hộ dân chuẩn bị sạ lúa vụ 3, do đó Phòng NN-PTNT huyện khuyến cáo người dân cần xử lý đất kỹ, đặc biệt là ngâm đất từ 1-2 tuần, tránh tình trạng lúa rụng vụ đông xuân trở thành lúa cỏ vụ mùa làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cuối vụ.

Thanh Hường - Vi Hoài


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.