Multimedia Đọc Báo in

Phát huy nội lực, khơi dậy sức dân - "chìa khóa" để phát triển

07:52, 27/05/2018

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, có thể khẳng định “phát huy nội lực” là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các tiêu chí, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đưa nông thôn trở thành “nông thôn mới - đô thị văn minh”.

“Phát huy nội lực” chính là khơi dậy tiềm năng sẵn có, biến tiềm năng bên trong đó trở thành tiềm lực để phát triển. Thực tế cho thấy, muốn phát huy nội lực có hiệu quả, trước hết phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích của gia đình, nhóm hộ gia đình rồi lan tỏa ra cộng đồng và nó sẽ là “hữu xạ tự nhiên hương” một khi vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được phát huy mạnh mẽ.

Vì vậy, công tác vận động là rất quan trọng. Bởi thông qua công tác vận động sẽ giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa cũng như quyền lợi của mình và cộng đồng, từ đó sẽ có những hành động đóng góp tích cực.

Thanh niên tình nguyện giúp người dân xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông làm đường giao thông. Ảnh: Hồng Chuyên
Thanh niên tình nguyện giúp người dân xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông làm đường giao thông. Ảnh: Hồng Chuyên

Trên thực tế, nhờ vận động hiệu quả, ở những địa phương vùng sâu vùng xa, còn nhiều khó khăn ở huyện Krông Bông, đã có những cá nhân, tập thể sẵn sàng đóng góp tiền của, tự nguyện hiến đất mà không đòi hỏi đền bù để xây dựng các công trình công cộng phục vụ lợi ích của cộng đồng. Điển hình như: Gia đình các ông Ama Ngoăn Hlong, Y Siêng Hlong, Y Tí Mlô (dân tộc Mnông ở buôn Khanh, xã Cư Pui), hằng ngày chứng kiến cảnh bà con trong buôn phải lội bộ qua suối để sản xuất, đặc biệt việc đi lại, vận chuyển nông sản vào mùa mưa gặp nhiều khó khăn, đã tự nguyện hiến 2.000 m2 đất sản xuất để làm cầu ngầm qua suối, giúp bà con đi lại thuận tiện hơn. Hay gia đình bà Huỳnh Thị Thông (74 tuổi, ở thôn 12, xã Khuê Ngọc Điền), tuy ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vì lợi ích của cộng đồng, sau khi được Chi bộ, Mặt trận Tổ quốc và Ban phát triển xây dựng nông thôn mới của thôn vận động, đã sẵn sàng chặt hạ 35 cây bạch đàn và hiến 1.200 m2 đất để làm đường bê tông vào thôn. Ông Lê Sơn (thôn 8, xã Khuê Ngọc Điền) dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, có một con bị khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, nhưng vẫn sẵn sàng hiến hàng trăm mét đất để làm đường giao thông nội vùng. Có thể nói, những đóng góp quý báu của các gia đình trên đã “gỡ” cho địa phương một bài toán khó về vốn. 

Hoặc để góp phần thực hiện tiêu chí số 4 về sử dụng điện, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhiều hộ phải làm thuê, lo ăn từng bữa song không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, 33 hộ dân tổ Vân Kiều ở thôn 2 (xã Hòa Phong) đã tự nguyện đóng góp 137 triệu đồng để kéo điện sinh hoạt. Nhân dân thôn 2, xã Dang Kang cũng tự nguyện đóng góp hơn 1,9 tỷ đồng kéo 2,25 km đường điện 3 pha đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân trong vùng…

Trong năm 2017, thiên tai bão lũ xảy ra, dù đời sống gặp nhiều khó khăn nhưng nhân dân xã Hòa Sơn đã đóng góp 288 triệu đồng và hàng nghìn ngày công để làm đường giao thông nông thôn. Ở xã vùng 3 Hòa Phong, trong năm 2017 người dân cũng đã hiến 20 m2 đất ở, đóng góp 298 triệu đồng tiền mặt và 1.784 ngày công làm gần 1,5 km đường bê tông…

Rõ ràng, trong điều kiện Nhà nước ta chưa đủ sức đầu tư ngân sách để phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở thiết yếu cho khắp mọi vùng miền thì việc phát huy nội lực, khơi dậy sức dân luôn là “chìa khóa” cho sự phát triển.     

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.