Multimedia Đọc Báo in

Thị trường tín dụng: Còn nhiều rủi ro

09:14, 31/05/2018

Từ đầu năm đến nay, tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối khả quan. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng đang có nhiều dấu hiệu đáng quan ngại.

Nợ xấu tăng mạnh

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, đến hết tháng 5, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đạt 84.500 tỷ đồng, tăng 0,65% (tăng 548 tỷ đồng) so với tháng trước; tăng 5,06% (tăng 4.066 tỷ đồng) so với đầu năm. Trong đó, cho vay doanh nghiệp 20.680 tỷ đồng, tăng 2,55% so với tháng trước, tăng 9,42% so với đầu năm, chiếm 24,47% tổng dư nợ toàn địa bàn, với gần 3.000 lượt doanh nghiệp vay vốn. Cho vay nông nghiệp, nông thôn 43.530 tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng trước, tăng 8,6% so với đầu năm, chiếm 51,51% tổng dư nợ toàn địa bàn với hơn 170.000 lượt khách hàng vay vốn. Dư nợ cho vay xuất khẩu 1.650 tỷ đồng, chiếm 1,95% tổng dư nợ toàn địa bàn; giảm 4,02% so với tháng trước; tăng 7,97% so với đầu năm. Cho vay chính sách xã hội 4.111 tỷ đồng, tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 3,53% so với đầu năm.

Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, nợ xấu (nợ nhóm 3,4,5) của các tổ chức tín dụng hiện đã lên đến 2.010 tỷ đồng, chiếm 2,38% tổng dư nợ cho vay. Mặc dù nợ xấu vẫn nằm dưới ngưỡng cho phép (3%), nhưng tốc độ gia tăng nợ xấu đang lên rất nhanh. Bởi đến cuối tháng 1-2018, nợ xấu chỉ là 1.701 tỷ đồng, chiếm 2,09% tổng dư nợ cho vay, giảm được 0,08% so với năm 2017, thì từ đó đến nay nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh liên tục tăng và đã tăng thêm 0,29%.

Năm 2018, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là yêu cầu bắt buộc. Mới đây nhất, ngày 15-5 NHNN lại có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống để bảo đảm an toàn trong hoạt động cho vay, phát hành sử dụng thẻ tín dụng và quyền lợi của khách hàng vay…

Khó siết chất lượng tín dụng

Quyết tâm là vậy, nhưng theo thừa nhận của lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, trong giai đoạn hiện nay rất khó để thực hiện. Trước hết, nhu cầu vốn ở các lĩnh vực ưu tiên trên thực tế tại địa bàn tỉnh không cao. Trong khi đó, các ngân hàng đều phải đứng trước áp lực tăng trưởng nên đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ tín dụng... Cùng với đó, thị trường bất động sản thời gian gần đây bất ngờ “nóng” lên nên nhu cầu vay vốn ở lĩnh vực này cũng tăng cao. Đây lại chính là những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ phát sinh nợ xấu nhất. Thực tế là đã có một số ngân hàng sau khi siết nợ tài sản bảo đảm đã đưa giá bán đấu giá. Tuy nhiên, hầu hết món nợ này khi chào bán đều thấp hơn giá trị (tính cả vốn và lãi suất cộng lại đến thời điểm bán), nhiều ngân hàng buộc phải chấp nhận giảm một phần lãi phạt, thậm chí giảm gần như toàn bộ lãi phạt cho khách hàng để nhanh chóng hoàn tất các thủ tục và thu hồi nợ.

Với việc tốc độ phát sinh nợ xấu tăng nhanh cùng hàng loạt văn bản cảnh báo, chấn chỉnh của NHNN cho thấy thị trường tín dụng đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.