Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Đrắk: Nông dân lao đao với một số cây trồng chủ lực

08:57, 15/06/2018

Những năm gần đây, một số cây trồng từng được xem là chủ lực của huyện M’Đrắk như mía, hồ tiêu liên tục rớt giá, khó khăn trong khâu thu mua, vận chuyển khiến nhiều nông dân phải loay hoay tìm cây trồng thay thế.

Cây hồ tiêu được nông dân huyện M'Đrắk đầu tư trồng từ năm 2010 và do cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại nông sản khác nên người dân nhanh chóng mở rộng diện tích hồ tiêu. Đến nay, toàn huyện M’Đrắk có 633 ha hồ tiêu, trong đó có 300 ha nằm trong quy hoạch, 330 ha do người dân trồng tự phát. Không thể phủ nhận là tại các xã Ea Lai, Krông Á, Ea Riêng, Ea Mdoal..., cây hồ tiêu đã góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân trên địa bàn, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu nhờ tiêu. Tuy nhiên, việc mở rộng một cách ồ ạt, gia tăng nhanh chóng diện tích đã kéo theo hệ lụy là phá vỡ quy hoạch, đầu tư thiếu kiểm soát, dịch bệnh, giá cả bấp bênh... khiến có những thời điểm nông dân bị thiệt hại không nhỏ.

Người dân xã Ea Lai thu dọn tiêu đổ ngã sau  cơn bão số 12 cuối năm 2017.
Người dân xã Ea Lai thu dọn tiêu đổ ngã sau cơn bão số 12 cuối năm 2017.

Đơn cử như cuối năm 2017, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn kéo dài, cùng với thiệt hại từ cơn bão số 12 đã làm cho hàng nghìn trụ tiêu trên địa bàn huyện M’Đrắk bị lỏng gốc, ngập úng, mất sức đề kháng, bị các loại nấm bệnh tấn công. Dịch bệnh trên hồ tiêu xảy ra còn do một số nông dân chưa áp dụng đúng các biện pháp khoa học kỹ thuật, thâm canh quá mức, sử dụng các loại phân bón hóa học quá liều, không cân đối tỷ lệ và canh tác ở những diện tích không phù hợp, địa hình trũng không theo quy hoạch. Theo thống kê, tính đến thời điểm này, toàn huyện có hơn 185 ha hồ tiêu bị chết vì nhiễm bệnh; trong đó, tập trung chủ yếu ở các địa phương như: xã Ea Lai  (58,6 ha), Krông Á (hơn 57 ha), Ea Mdoal (49 ha). Con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới bởi hầu hết diện tích hồ tiêu còn lại đều đã có dấu hiệu bệnh, với tốc độ lây lan nhanh trên diện rộng. Trong khi hồ tiêu chết hàng loạt, năng suất giảm rất mạnh, thậm chí nhiều vườn hồ tiêu mất trắng, không có thu hoạch thì giá hồ tiêu lại có xu hướng giảm, thậm chí xuống đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Hiện nay, giá thu mua hồ tiêu trên địa bàn huyện M’Đrắk ở mức từ 55.000 – 60.000 đồng/kg, giảm gần 50% so với năm 2017. Dự báo tình hình khó khăn sẽ vẫn còn tiếp diễn thời gian tới nếu giá hồ tiêu không được cải thiện.             

Không riêng hồ tiêu, những năm qua nông dân huyện M’Đrắk cũng không ít lần lao đao vì cây mía (cây trồng chủ lực của một số địa phương) liên tục rớt giá, cộng thêm việc thu mua, vận chuyển bất cập, đầu ra không ổn định.

Người dân xã Krông Á thu hoạch mía niên vụ 2017-2018.
Người dân xã Krông Á thu hoạch mía niên vụ 2017-2018.

Niên vụ 2017-2018, huyện M’Đrắk có 7.350 ha mía, tập trung ở các xã Ea Pil (2.900 ha), Cư Prao (2.850 ha), Krông Jing (600 ha), Krông Á (430 ha), Ea Trang (110 ha), Cư Mta (105 ha)... Theo công bố của các nhà máy mía đường có vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện M’Đrắk, hiện nay giá thu mua khoảng 780-830 nghìn đồng/tấn (trữ đường 10 CCS), thấp hơn cùng kỳ gần 200.000 đồng/tấn. Bên cạnh đó, do việc tiêu thụ đường khó khăn nên các nhà máy vào vụ muộn hơn so với mọi năm, trong khi những tháng cuối năm 2017, cây mía thời kỳ tích trữ đường gặp mưa bão bị ngã đổ, mía ra rễ và trổ bông, thân xốp nhẹ, nhiều tạp chất, trữ đường giảm... Cùng với đó, việc thu hoạch quá chậm khiến nông dân trồng mía lo lắng bởi có thể ảnh hưởng đến năng suất, trữ lượng đường và tiến độ làm đất cho vụ mùa mới. Mặt khác, trong điều kiện thời tiết khô nóng dễ xảy ra các trường hợp cháy mía, gây thiệt hại cho người trồng mía. Với những khó khăn và bất lợi chồng chất, người trồng mía huyện M’Đrắk năm nay thất thu nặng nề.

Theo ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M'Đrắk, trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp huyện đã tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động chuyển đổi một số diện tích hồ tiêu bị chết trắng trụ, đất bị nhiễm bệnh không thể tái canh sang trồng các loại cây ngắn ngày như đỗ, đậu phộng, ngô... để vừa có nguồn thu trước mắt cho nông dân, vừa cải tạo đất, tiêu diệt mầm bệnh trước khi trồng lại vườn tiêu mới. Còn những vườn tiêu bị chết một phần thì vận động bà con trồng xen cây ăn quả. Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi, trong vụ sản xuất đông xuân 2017-2018, huyện đã tổ chức được 11 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 469 lượt khuyến nông cơ sở; xây dựng 19 mô hình thâm canh lúa thuần BC15, TBR225... với hơn 2 ha.  

Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, huyện M’Đrắk đã triển khai thực hiện Dự án vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao tại địa bàn xã Cư Prao và xã Ea Pil với tổng diện tích 138 ha gồm 55 hộ dân tham gia, thực hiện các mô hình trồng cây chanh dây tím và mãng cầu xiêm (ở xã Cư Prao); mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi tập trung thâm canh và bán thâm canh trên gà thả vườn BT2 và trồng nhãn Hương chi, vải u trứng, u hồng... (ở xã Ea Pil) với nhiều sản phẩm chất lượng.

Mỹ Sự - Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.