Multimedia Đọc Báo in

Người xây thương hiệu cây sả trên vùng đất khó

06:46, 07/06/2018

Những năm gần đây, cây sả trở thành cây thoát nghèo của nhiều nông dân xã Ea Tir, huyện Ea H’leo. Người có công lớn nhất làm nên điều này là ông Mông Văn Mậu – một điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương.

Xã Ea Tir có gần 10.000 ha đất tự nhiên, trong đó đa phần là đất sỏi đá, cằn cỗi. Mặt khác, do địa hình dốc nên vào mùa mưa, đất bị xói mòn, rửa trôi, việc canh tác rất khó khăn, cây gì trồng xuống cũng không mang lại hiệu quả. Vì thế nhiều diện tích phải bỏ đất hoang, người dân nơi đây cứ loay hoay với bài toán thoát nghèo. Trước tình hình đó, chính quyền và người dân xã Ea Tir luôn trăn trở tìm hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tìm loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương.

Vào năm 2011, sau khi tìm hiểu thông tin qua truyền hình, ông Mậu và một số hộ dân địa phương đã đến tỉnh Tuyên Quang tìm hiểu và mua giống sả java lấy tinh dầu đưa về trồng thử nghiệm. Không như những loại cây trồng khác, sả phù hợp với thổ nhưỡng tại đây, không cần chăm bón, tưới nước nhiều nhưng vẫn xanh tốt. Vì thế, ông Mậu quyết định chuyển hết toàn bộ diện tích trồng đậu, sắn sang trồng sả. Hiện với 5 ha đất trồng sả, mỗi năm gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng, nhờ loại cây trồng này, ông đã vươn lên làm giàu, có xe hơi, nhà cửa khang trang.

 Vườn sả của Hợp tác xã Sản xuất  và chế biến  tinh dầu sả  Tân Trào.
Vườn sả của Hợp tác xã Sản xuất và chế biến tinh dầu sả Tân Trào.

Thấy cây sả lấy tinh dầu có hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân địa phương mở rộng diện tích trồng và đầu tư xây dựng lò ép dầu sả. Trên địa bàn xã Ea Tir hiện có khoảng 200 ha sả trồng tập trung hoặc xen canh; mỗi ha đầu tư khoảng 20 triệu đồng, nhưng có thể cho khai thác trong 5 năm; bình quân mỗi năm cho thu nhập hơn 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Để giúp đỡ nhau trong sản xuất, ông Mậu đã vận động những người trồng sả ở đây liên kết lại thành lập Tổ hợp tác sản xuất và chế biến tinh dầu sả Tân Trào với 55 thành viên, đi vào hoạt động từ đầu năm 2016. Từ khi hoạt động theo mô hình tổ hợp tác, việc hỗ trợ vốn đầu tư, cây giống và ngày công của các thành viên thuận lợi hơn trước. Nhằm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ, đầu năm 2018, Hợp tác xã Sản xuất và chế biến tinh dầu sả Tân Trào được thành lập. Hợp tác xã hiện có 30 thành viên chính thức và hàng chục thành viên liên kết, sản xuất 200 ha sả. Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng 2 lò chế biến tinh dầu sả, tổng số vốn 400 triệu đồng và sắp tới xây dựng thêm 2 lò để chế biến toàn bộ sản lượng sả cho thành viên. Bên cạnh đó, đơn vị cũng liên kết trồng sả và chế biến tinh dầu tại các xã Cư Kbang, Ia J’lơi và Ya Tờ Mốt của huyện Ea Súp. Sản phẩm tinh dầu sả sản xuất tại đây được tiêu thụ rất thuận lợi, thời điểm này có giá 430.000 - 450.000 đồng/lít, thu nhập của thành viên đạt 10 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ phát triển thành viên, mở rộng diện tích trồng sả để chế biến tinh dầu và ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm. Đặc biệt, sản phẩm tinh dầu sả java Ea Tir đang được xây dựng bảo hộ nhãn hiệu tập thể với tên gọi “Tinh dầu sả java Ea Tir”.

Ông Mông Văn Mậu giới thiệu quy trình chế biến tinh dầu sả.
Ông Mông Văn Mậu giới thiệu quy trình chế biến tinh dầu sả.

Ông Mông Văn Mậu khẳng định, chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, cây sả đã phủ xanh trên vùng đất cằn Ea Tir. Việc tạo lập thương hiệu, nhãn hiệu sẽ góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm tinh dầu sả, qua đó tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.