Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Cư M'gar phát triển chăn nuôi dê

09:03, 14/06/2018

Hiện nay, trên địa bàn huyện Cư M’gar, chăn nuôi dê không còn chạy theo phong trào như những năm trước đây mà hầu hết bà con đang phát triển mô hình này là những người đã có kinh nghiệm nuôi dê rất nhiều năm, xem nuôi dê là nguồn thu nhập chính của gia đình mình.

Anh Nguyễn Văn Lam (buôn Tar) là một trong những hộ chăn nuôi dê Bách Thảo thành công ở xã Ea H’đing. Hiện nay, trong chuồng của gia đình anh Lam luôn duy trì khoảng 40 con dê lớn nhỏ, trong đó có 11 con dê mẹ, bình quân mỗi năm dê mẹ sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 4 con, sau 6 tháng chăm sóc dê có thể đạt trọng lượng khoảng 25 kg, với giá bán dao động từ 80.00 – 100.000 đồng/kg... Không chỉ bán dê thịt, gia đình anh còn bán con giống. Bình quân mỗi năm sau khi trừ hết chi phí đầu tư, việc nuôi dê mang về cho gia đình anh nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng.

Gia đình anh Nguyễn Minh Sơn (tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú) có thâm niên nuôi dê gần 8 năm nay. Ban đầu, anh chỉ nuôi 1 con dê mẹ và 3 dê con. Nhờ thực hiện đúng quy trình chăn nuôi và kỹ thuật phòng bệnh nên đàn dê của gia đình không ngừng sinh trưởng và phát triển, đến nay tổng đàn dê đã lên đến gần 50 con lớn nhỏ, bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình anh thu nhập gần 100 triệu đồng... “Mỗi năm, gia đình tôi xuất bán ra thị trường từ 20 – 30 con dê thịt, mỗi con có trọng lượng đạt khoảng 25 kg, với giá cả thị trường như hiện nay cũng thu được 50 – 60 triệu đồng. Gia đình tôi còn có nguồn thu nhập khá từ bán dê giống, con dê nào to, đẹp thì 3,5 – 4 triệu đồng/con, bình quân mỗi năm thu được khoảng 40 triệu đồng… Chi phí nuôi dê không đáng kể, chỉ tốn về mặt con giống, thức ăn chính là cỏ, lá cây và các sản phẩm nông nghiệp có sẵn ở địa phương”, anh Sơn chia sẻ.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, tính đến nay, tổng đàn dê toàn huyện đã lên đến khoảng 10.000 con, tập trung nhiều tại các địa phương như: xã Ea Kpam, Quảng Hiệp, Ea H’đing, Ea Đrơng, thị trấn Ea Pốk, Quảng Phú… Trong những năm gần đây, nhiều hộ dân đã tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, cũng như đưa những con giống có chất lượng vào sản xuất, đem lại chất lượng, giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, nhiều nông dân đã liên kết thành lập tổ hợp tác chăn nuôi dê để trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, cũng như cách phòng, trị bệnh trên dê và tìm thị trường đầu ra... Nhìn chung, đa số người dân chăn nuôi dê đều có cuộc sống khấm khá hơn. Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết: “Đàn dê trên địa bàn huyện phát triển tương đối nhanh, nhất là khi giá bò và heo giảm. Dê thuộc nhóm con vật dễ nuôi, ít dịch bệnh và giá cả đã ổn định trong một thời gian rất dài, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao so với nhóm vật nuôi khác”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.