Multimedia Đọc Báo in

Vụ hè thu 2018: Nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên cây trồng

09:21, 22/06/2018

Theo luồng tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết vụ hè thu 2018 tiếp tục biến đổi bất thường, tăng nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trên các loại cây trồng.

Ngành Khí tượng Thủy văn dự báo, hiện tượng ENSO sẽ chuyển sang trạng thái trung tính từ tháng 6-2018 và duy trì trạng thái này đến hết năm 2018. Số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta ở mức xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm, nền nhiệt độ các tháng vụ hè thu 2018 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, hạn bà Chằn (đợt khô hạn ngắn xảy ra vào mùa mưa) xuất hiện vào tháng 7. Mùa mưa kết thúc sớm hơn một ít so với trung bình nhiều năm, với tổng lượng mưa toàn mùa phổ biến xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm và mưa tập trung vào tháng 8, tháng 9, riêng huyện M’Đrắk tập trung tháng 9, tháng 11. Mực nước trên các sông trong tỉnh bước vào mùa mưa lũ sớm hơn so với quy luật (bắt đầu vào tháng 8, kết thúc tháng 11); lũ cao nhất có khả năng xuất hiện vào thời kỳ cuối tháng 9, đầu tháng 10 với đỉnh lũ cao nhất trên báo động 3, riêng tại trạm Krông Búk trên báo động 1; lũ lớn có thể gây ngập lụt diện rộng trên địa bàn huyện Krông Bông, Lắk, Krông Ana, Ea Súp.

Nông dân xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc làm cành chồi cây cà phê.
Nông dân xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc làm cành chồi cây cà phê.

Hè thu là vụ sản xuất chính trong năm với hơn 200 nghìn ha cây trồng các loại (cao gấp 4 lần so với vụ đông xuân). Trong đó lúa nước 53.000 ha, ngô 73.690 ha, khoai lang 1.914 ha, sắn 30.650 ha, đậu các loại hơn 23.000 ha, rau các loại 3.783 ha, mía 19.000 ha… Do đó ngay từ đầu vụ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn khung lịch thời vụ gieo trồng, cơ cấu cây giống, các giải pháp, cách tiêu diệt các nguồn bệnh như diệt chuột, nấm bệnh, vệ sinh đồng ruộng… Đặc biệt, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết năm nay tiếp tục biến đổi bất thường, mưa trái mùa xảy ra liên tục khiến nhiều cây trồng đối mặt với nguy cơ cao bị các loại sâu bệnh tấn công. Dự báo, bọ trĩ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu phao, sâu keo, sâu cuốn lá nhỏ, đạo ôn, khô vằn sẽ xuất hiện và tấn công cây lúa; bệnh khảm lá, rệp sáp bột hồng gây hại cây sắn. Riêng cây công nghiệp dài ngày thì có khả năng xuất hiện rệp sáp, rỉ sắt, rụng quả non trên cây cà phê; chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu; bọ xít muỗi, sâu đục thân, nấm hồng trên cây điều; hiện tượng chết cây sầu riêng do nấm Phytophthora…

Nông dân huyện Krông Pắc làm đất chuẩn bị sạ lúa.
Nông dân huyện Krông Pắc làm đất chuẩn bị sạ lúa.

Theo phân tích của ngành Nông nghiệp, thời tiết thay đổi bất thường, mưa nắng xen kẽ là điều kiện lý tưởng để các loại nấm bệnh phát sinh gây hại. Riêng với cây lúa (diện tích gieo trồng khoảng 53.000 ha) cần đặc biệt chú trọng bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn bởi đây là các loại bệnh ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng lúa cuối vụ. Còn với các vườn cây công nghiệp lâu năm thì chú ý các loại nấm bệnh, đặc biệt là nấm Phytophthora bởi loại nấm này có thể xâm lấn và gây hại trên các loại cây thân gỗ, điển hình là đã xuất hiện và tấn công hàng trăm ha sầu riêng ở huyện Krông Pắc vào cuối năm 2016, đầu năm 2017. Vì vậy, để bảo vệ cây trồng, ngoài việc thăm vườn thường xuyên thì bà con nông dân cần gieo trồng đúng mật độ, làm sạch cỏ bờ thửa đối với cây ngắn ngày và rong tỉa chồi vượt, tạo tán cho cây cà phê, tỉa cành cho cây che bóng, chắn gió, tạo môi trường thông thoáng để cây sinh trưởng phát triển tốt. Đồng thời, những diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm có nguy cơ cao về dịch bệnh có thể phun phòng bệnh vào đầu mùa mưa với các loại thuốc gốc đồng để kịp thời hạn chế sự phát triển, lây lan của các loại nấm bệnh.

Theo thống kê của các địa phương, đến thời điểm này toàn tỉnh gieo trồng được 147.700 ha cây trồng các loại, đạt 71% kế hoạch. Trong đó, lúa nước 38.700 ha (đạt 73% kế hoạch), ngô gần 48.970 ha (66,5%), khoai lang 1.000 ha (52,8% kế hoạch), sắn gần 25.500 (82% kế hoạch), đậu các loại hơn 13.700 ha (58% kế hoạch)…

 Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.