Multimedia Đọc Báo in

Xã Phú Xuân (huyện Krông Năng): Kinh tế trang trại thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

09:25, 01/06/2018

Những năm qua, trên địa bàn xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) đã có nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại được hình thành và phát triển, qua đó nâng cao đời sống cho người dân, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Xác định phát triển kinh tế trang trại là nội dung cần phấn đấu thực hiện trong tổ chức sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Phú Xuân đã tập trung thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng NTM; phân định rõ các vùng sản xuất rau màu, vùng phát triển kinh tế trang trại, gia trại tập trung; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước…) để các trang trại có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó, nhiều trang trại chăn nuôi đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: công nghệ chuồng kín, máng ăn uống tự động, xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bioga, thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn, bảo đảm chế độ dinh dưỡng, quản lý dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn phương thức chăn nuôi nông hộ. Điển hình như trang trại của ông Lê Văn Sơn (thôn 4). Với 2,8 ha đất có sẵn của gia đình, ông Sơn đã đầu tư cải tạo, xây dựng trang trại tổng hợp với 1 dãy chuồng nuôi lợn nái đẻ, 2 dãy chuồng nuôi nái sữa, 1 dãy chuồng nuôi nái mang bầu và 3 dãy chuồng nuôi heo thịt. Hiện trang trại của ông có gần 100 con lợn nái sinh sản chủ yếu là giống Giọc Lan theo tiêu chuẩn VietGAP. Bình quân mỗi năm, trang trại  cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 56 tấn thịt lợn hơi, với giá bán trung bình 35.000 đồng/kg thịt cho thu lãi hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài chăn nuôi, trang trại của ông Sơn còn trồng thêm 800 trụ tiêu để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng thu nhập.

Trang trại tổng hợp của ông Lê Văn Sơn mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Trang trại tổng hợp của ông Lê Văn Sơn mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh việc tập trung vốn và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ tại xã Phú Xuân đã chú trọng hơn vào việc đầu tư cây, con giống, vật tư nông nghiệp chất lượng cùng công cụ cơ giới nên năng suất tăng đáng kể. Cũng là điển hình trong phát triển kinh tế gia trại, gia đình ông Trần Văn Thắng (thôn 11) có mức thu nhập khá từ nuôi gà thả vườn. Ông Thắng cho biết, gia đình bắt đầu mở rộng gia trại từ năm 2009 với diện tích 1.000 m2, trong đó nuôi 500 con gà đẻ và 2.000 con gà thịt, chủ yếu là giống gà lai chọi và giống gà đồi. Với đầu ra ổn định, mỗi tháng gia đình đều xuất trung bình 1,6 tấn gà thịt. Hiện tại với giá xuất tại chỗ là 55.000 đồng/kg, cho lợi nhuận mỗi lứa khoảng 20 triệu đồng. Không chỉ dừng lại ở đó, đầu năm 2018, sau khi tìm hiểu thị trường, ông Thắng nhập về 100 con gà H’Mông để nuôi thử nghiệm và lấy giống. “Gà H’Mông có màu đen, thịt chắc và ngon hơn hẳn so với gà thường, giá trị dinh dưỡng rất cao, hiện nay gà H’Mông ngoài thị trường có giá bán 130.000 đồng/kg thịt nên gia đình đang rất mong chờ đợt xuất chuồng đầu tiên của giống gà này”, ông Thắng chia sẻ.

Mô hình gà thả vườn của hộ ông Trần Văn Thắng.
Mô hình gà thả vườn của hộ ông Trần Văn Thắng.

Ông Lê Đình Chủng, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết, tiềm năng phát triển của những trang trại nhỏ tại địa phương là rất lớn. Việc bà con mạnh dạn đổi mới trong cách thức và thử nghiệm những cây, con giống mới và nhất là phát triển kinh tế trang trại sẽ thu hút một khối lượng lớn tiền vốn trong dân đầu tư vào sản xuất, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM của địa phương. Được biết, xã Phú Xuân hiện đã đạt 17/19 tiêu chí và dự định sẽ cán đích NTM vào cuối năm nay.

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.