Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp nào để phát huy thế mạnh cây ăn quả ở Đắk Lắk? (Kỳ 2)

08:46, 26/07/2018

[links(left)]

Kỳ 2: Lời cảnh tỉnh từ thực tiễn

Lợi nhuận lớn, giá trị gia tăng cao, doanh nghiệp và nông dân đang đổ xô vào sản xuất cây ăn quả với cách làm chưa đúng đang biến những tiềm năng thành tiềm ẩn rủi ro, cơ hội trở thành thách thức cho chính sự phát triển bền vững của cây ăn quả.

Nguy cơ dịch bệnh

Năm 2017 đánh dấu mốc son thể hiện vai trò, vị trí cây ăn quả trong cơ cấu cây trồng của ngành Nông nghiệp Đắk Lắk, nhưng cũng là thời gian diễn ra “biến cố” dịch bệnh bất thường nhất từ trước đến nay trên cây ăn quả của cả nước. Đó chính là sự tấn công của nấm Phytophthora trên cây sầu riêng (cây ăn quả thân gỗ 10 năm tuổi) khiến hàng trăm héc ta sầu riêng ở huyện Krông Pắc bị khô cành, xì mủ, thậm chí chết trước niên vụ thu hoạch mới. Theo lý giải của các chuyên gia, sở dĩ sầu riêng là cây thân gỗ nhưng vẫn bị nấm bệnh tấn công là do nông dân “tận canh” tăng năng suất quá mức khiến cây bị suy kiệt trong điều kiện thời tiết biến đổi bất thường đã tạo điều kiện lý tưởng cho nấm bệnh tấn công. Năm 2017 nông dân huyện Krông Pắc thu về hơn 650 tỷ đồng từ sầu riêng, nhưng cũng mất hơn 100 tỷ đồng do sầu riêng bị nấm bệnh. Hệ lụy sau đợt dịch đó là hàng chục héc ta sầu riêng hiện nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, sức đề kháng rất yếu, thậm chí một số cây sầu riêng hiện đang có hiện tượng xì mủ, nứt thân cảnh báo nguy cơ cao tái phát dịch bệnh.

Nông dân huyện Krông Năng chia sẻ kinh nghiệm phòng, trị bệnh cho cây sầu riêng.
Nông dân huyện Krông Năng chia sẻ kinh nghiệm phòng, trị bệnh cho cây sầu riêng.

Tương tự, bọ xít muỗi, bọ nhảy, sâu vẽ bùa… đã và đang tấn công các vườn xoài ở Ea Súp, trong đó có những cây xoài cổ thụ hàng chục năm khiến năng suất giảm khoảng 40%, thậm chí một số cây mất trắng nếu người dân không phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Nông dân Ea Súp vẫn chưa tìm được cách phòng trừ nào hiệu quả bởi xoài là cây thân gỗ, cao, tán rộng, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên phun cây này các loại côn trùng có hại lại di cư đến cây khác khiến hiệu quả phòng trừ thấp.

 Hiện tại, người trồng thanh long ở xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột cũng đang “đau đầu” chưa biết xử lý vườn cây như thế nào khi nguồn lợi thu được ngày càng sụt giảm do nấm bệnh. Cụ thể, nấm tắc kè tấn công từ cành tới quả làm cho quả thanh long bị rụng, thối nếu mưa nhiều hoặc diện mạo xấu nên giá giảm mạnh từ 5.000–7.000 đồng/kg xuống còn 1.000–2.000 đồng/kg, thậm chí không có người mua, buộc nông dân phải cắt bỏ, đổ đống quanh vườn.

Không chỉ vậy, sự bùng nổ “trào lưu” trồng cây ăn quả gây ra “cuộc đua”  diện tích và năng suất, trong khi đó nguồn cung cây giống không bảo đảm chất lượng đang đẩy người sản xuất vào cảnh “được ăn cả thua ngả về không”. Ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phân tích, hiện nay Đắk Lắk rất khan hiếm nguồn cây đầu dòng nên đa số các loại cây ăn quả chủ yếu được các cơ sở tuyển lựa theo phương pháp truyền thống – chọn cây tốt nhất trong vườn để nhân giống nên rủi ro rất cao. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống nhanh chóng liên kết với các tỉnh miền Tây Nam Bộ nhằm đặt hàng trước mỗi mùa gieo ươm. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết, khí hậu, cách sản xuất giữa hai vùng miền có sự khác biệt đang là trở ngại lớn trong quá trình thích nghi sau khi trồng của cây giống. Đặc biệt, nếu quá trình tuyển lựa không có sự chọn lọc, kiểm soát dịch bệnh kỹ sẽ vô tình tiếp tay cho các loại dịch bệnh có cơ hội bùng phát và lây lan trên diện rộng qua con đường cây giống.

Mối lo thị trường tiêu thụ

Theo thống kê của Bộ NN–PTNT, diện tích cây ăn quả của cả nước năm 1996 là hơn 380 nghìn ha, năm 2002 gần 680 nghìn ha, năm 2017 ước tính khoảng 900 nghìn ha. Năng suất bình quân cây ăn quả năm 2017 ước đạt 10 tấn/ha, tăng gần 43% so với năm 2002 (7 tấn/ha); tổng sản lượng quả thu được đạt hơn 8,5 triệu tấn, tăng gần 90% so với năm 2002 (4,5 triệu tấn). Trong đó, có 10 loại có diện tích trên 10 nghìn ha/loại là chuối, xoài, cam, nhãn, vải, bưởi, thanh long, sầu riêng, quýt… Tốc độ gia tăng diện tích của cây thanh long giai đoạn 2011–2016 là 14,2%, sầu riêng 3,5%, cam hơn 8%, bưởi 6%; tốc độ gia tăng sản lượng thanh long là 11,9%, sầu riêng 7,5%, cam 3,6%, bưởi 3,4%, chuối 2,6%... Diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây ăn quả đều tăng theo thời gian, nhưng hiện nay 80% sản lượng cây ăn quả vẫn đang tiêu thụ trong nước dưới dạng quả tươi. Trong đó 90% được phân phối thông qua các chợ truyền thống; hệ thống phân phối hiện đại qua siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn chỉ phục vụ một lượng nhỏ người tiêu dùng và tập trung chủ yếu tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Cán bộ nông nghiệp TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn nông dân xã Cư Êbur chăm sóc thanh long.
Cán bộ nông nghiệp TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn nông dân xã Cư Êbur chăm sóc thanh long.

Về chế biến, lượng trái cây đưa vào chế biến hiện nay còn hạn chế về cả chủng loại và sản lượng. Hiện tại cả nước có hơn 145 cơ sở chế biến rau, quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 800 nghìn tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, công suất thực tế chỉ đạt 50% thiết kế là 440 nghìn tấn sản phẩm/năm (chiếm 5% tổng sản lượng trái cây) do thiếu nguyên liệu vì các nhà máy vẫn chưa có sự đầu tư, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu. Sản phẩm chế biến cũng hạn chế, đa phần là đồ hộp, đông lạnh, nghiền, cô đặc, nước quả, chiên, sấy, muối… nên chất lượng sản phẩm sau chế biến chưa cao, khó đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt là thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản...

Theo nhận định của các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ cây ăn quả của người tiêu dùng trong nước và quốc tế đều tăng, tuy nhiên việc sản xuất hiện nay vẫn đang manh mún, nhỏ lẻ, khâu thu hoạch, bảo quản còn nhiều bất cập. Việc xuất khẩu trái cây ra nước ngoài hiện nay chủ yếu vẫn dưới dạng trái cây tươi thông qua con đường tiểu ngạch, giá trị gia tăng thấp. Do đó nếu không nhanh chóng khắc phục những hạn chế, vướng mắc về sản xuất, thị trường thì nguy cơ khủng khoảng thừa trái cây chỉ là chuyện “một sớm một chiều” mà thôi.

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, sản phẩm cây ăn quả chủ lực của Đắk Lắk hiện nay là bơ, sầu riêng, mít, chuối, cam, quýt… và được tiêu thụ thông qua hệ thống thương lái dưới dạng trái cây tươi. Vào thời điểm chính vụ, sản lượng trái cây thương mại tại một điểm thu mua có thể đạt từ 15–20 tấn/ngày, chủ yếu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng ở TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng và xuất khẩu sang Trung Quốc.

 


(Còn nữa)

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.