Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả ban đầu từ Dự án "Đàn bò thoát nghèo" ở xã Ea Kpam

08:15, 30/07/2018

Việc hỗ trợ bò sinh sản từ dự án “Đàn bò thoát nghèo” do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) triển khai đã giúp cho các hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Gia đình chị Ngô Thị Nhiên (thôn 8) là một trong những hộ đầu tiên may mắn được chọn tham gia và nhận bò giống từ Dự án “Đàn bò thoát nghèo”. Vì không có đất sản xuất nên chị phải đi bán vé số dạo để có tiền trang trải cuộc sống và lo cho đứa con gái ăn học. Sau khi được nhận bò, chị Nhiên đã đầu tư làm chuồng trại và chăm sóc bò theo đúng kỹ thuật mà cán bộ thú y xã hướng dẫn nên con bò giống của gia đình lớn rất nhanh và ít bệnh. Ngoài việc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân chuối, lá ngô cho bò ăn, chị Nhiên còn trồng thêm cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi. Đến nay, con bò giống được cấp đã có bầu 3 tháng. Chị Nhiên phấn khởi chia sẻ, được hỗ trợ bò giống gia đình chị có thêm nguồn vốn để làm ăn. Chị sẽ có gắng chăm sóc bò để phát triển đàn, giúp gia đình có cơ hội thoát nghèo.

Đại diện Ban quản lý Dự án “Đàn bò thoát nghèo” (bìa phải) kiểm tra tình hình  nuôi bò của gia đình chị Ngô Thị Nhiên ở thôn 8.
Đại diện Ban quản lý Dự án “Đàn bò thoát nghèo” (bìa phải) kiểm tra tình hình nuôi bò của gia đình chị Ngô Thị Nhiên ở thôn 8.

Gia đình ông Lưu Thiện Vui (thôn 6) cũng là một trong những hộ được hưởng lợi từ Dự án này. Gia đình ông Vui vốn là hộ cận nghèo, bản thân ông bị khuyết tật, thường xuyên đau ốm. Gia đình chỉ có 2 sào cao su mới trồng nên nguồn thu nhập tùy thuộc vào việc đi làm thuê của vợ con ông. Tháng 5-2017, gia đình ông mua một cặp bò cái sinh sản trị giá 23 triệu đồng, trong đó 15 triệu đồng được hỗ trợ từ Dự án “Đàn bò thoát nghèo”, số còn lại gia đình ông vay mượn để đối ứng.

Nhờ được tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò, cách phòng ngừa dịch bệnh nên bò giống sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 1 năm chăn nuôi, ông Vui đã có thêm một bê con. Thấy việc nuôi bò thuận lợi, tận dụng được công nhàn rỗi, có thêm lượng phân dồi dào để bón cho cây trồng, ông Vui đã quyết định không bán bò mà để gây giống, mở rộng quy mô chăn nuôi. Ông cho biết, từ chỗ không có vật nuôi để sản xuất, giờ đây ông đã có đàn bò để làm vốn phát triển kinh tế. Đây sẽ là cơ hội để gia đình ông vươn lên thoát nghèo bền vững.

Một hộ dân ở thôn 2, xã Ea Kpam được hỗ trợ bò từ Dự án “Đàn bò thoát nghèo”.
Một hộ dân ở thôn 2, xã Ea Kpam được hỗ trợ bò từ Dự án “Đàn bò thoát nghèo”.

Nhằm giúp người dân chủ động trong chăn nuôi, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội và công tác giảm nghèo của địa phương, tháng 5-2017 Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ea Kpam triển khai thực hiện Dự án “Đàn bò thoát nghèo”. Thời gian thực hiện Dự án là 4 năm, với tổng kinh phí là 60 triệu đồng được trích từ Quỹ “Vì người nghèo” và Quỹ “Ngân hàng bò” của xã. Tham gia Dự án là 4 hộ nghèo, cận nghèo có lực lượng lao động, nhưng thiếu tư liệu sản xuất và có mong muốn thoát nghèo bền vững trên địa bàn xã.

Khi tham gia Dự án, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ một con bò cái sinh sản trị giá 15 triệu đồng. Người nuôi sẽ được tham gia các buổi tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho bò; hướng dẫn cách làm chuồng trại, trồng cỏ để chủ động được nguồn thức ăn cho vật nuôi; được Ban quản lý Dự án và cán bộ thú y theo dõi, giám sát trong suốt quá trình nuôi để bảo đảm đàn bò sinh sản và phát triển tốt. Với hình thức nuôi luân chuyển, sau khi kết thúc Dự án, người nuôi sẽ phải bàn giao lại một con bò cái tròn 1 tuổi cho Ban quản lý Dự án để cấp cho một hộ dân khác chăn nuôi.

Qua 1 năm triển khai Dự án, các hộ dân tham gia đều đã nâng cao ý thức chăn nuôi như thực hiện làm chuồng trại chắc chắn, biết tận dụng phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch làm thức ăn, chăm sóc vật nuôi đúng kỹ thuật… nhờ vậy mà đàn bò phát triển tốt và bắt đầu sinh lời cho người nuôi. Dự kiến trong năm 2018 Dự án sẽ trao bò giống cho từ 2-3 hộ nghèo nữa” – Ông Phan Bá Sáu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ea Kpam.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.