Multimedia Đọc Báo in

Mở đường cho nông sản Đắk Lắk tiêu thụ ở Tây Ninh

08:48, 18/07/2018

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Tây Ninh được coi là địa phương có nhiều tiềm năng để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, giao lưu hàng hóa với tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới.

Tỉnh Tây Ninh có trục đường Xuyên Á đi qua và 240 km đường biên giới gắn với 2 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài - Bavet, Xa Mát - Trapeng Phlong), là cửa ngõ giao lưu thương mại, hợp tác đầu tư, phát triển kinh tế với Campuchia và khu vực ASEAN. Đây là yếu tố quan trọng, làm tiền đề để nông sản của tỉnh ta xâm nhập và kỳ vọng tiến sâu hơn, tìm kiếm thêm thị trường mới.

Doanh nghiệp sản xuất cà phê bột Đắk Lắk “chào hàng” sản phẩm sạch, chất lượng cao với doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh.
Doanh nghiệp sản xuất cà phê bột Đắk Lắk “chào hàng” sản phẩm sạch, chất lượng cao với doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh.

Với mục tiêu thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ở thị trường này, thời gian qua, ngành Công thương tỉnh đã có nhiều hoạt động quảng bá, tích cực để doanh nghiệp (DN) của tỉnh chủ động tiếp cận. Sở Công thương cũng đã tổ chức đoàn DN của tỉnh gặp gỡ, khảo sát, mang hàng hóa giới thiệu và xúc tiến thương mại với các DN tỉnh Tây Ninh. Cho đến nay, đã có một số DN kết nối đưa được hàng hóa của tỉnh có mặt tại đây như: cà phê, ca cao…

Các DN đã cùng nhau trao đổi, bàn thảo nhiều phương án liên kết mở ra cơ hội hợp tác cho DN của hai tỉnh. Qua đó, bước đầu đã có 11 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh được ký kết giữa các DN, cơ sở, nhà phân phối của hai địa phương.

Đầu tháng 7 vừa qua, tại TP. Buôn Ma Thuột, Sở Công thương hai tỉnh cũng phối hợp tổ chức hội nghị kết nối cung cầu giữa DN, cơ sở sản xuất, nhà phân phối Đắk Lắk và Tây Ninh. Cuộc gặp gỡ lần này được nhiều DN cho là một trong những bước tiến quan trọng, thiết thực để thúc đẩy hơn nữa hoạt động kết nối, trao đổi hàng hóa. Nhiều DN nhìn nhận, hai địa phương có những sản phẩm thế mạnh không trùng nhau, giao thông đi lại hiện đã thuận tiện hơn rất nhiều. Vấn đề còn lại là tạo liên kết, hợp tác để sản phẩm thế mạnh được phổ biến tại thị trường hai tỉnh. Về phía các DN sản xuất của Đắk Lắk như Hợp tác xã Nông nghịêp - Dịch vụ Công bằng Ea Kiết, Công ty Cổ phần Sản xuất cà phê  bột Trung Hòa (huyện Cư M’gar), Cà phê Phượng, Rượu cần Y Miên, Chi nhánh Du lịch Khách sạn Biệt Điện (TP. Buôn Ma Thuột), Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana)… cũng đã trao đổi thông tin về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng, độ tin cậy về chất lượng sản phẩm, mức giá cạnh tranh và mong muốn hợp tác để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghịêp - Dịch vụ Công bằng Ea Kiết đánh giá, Tây Ninh sẽ là một thị trường tiềm năng cho những sản phẩm cà phê được sản xuất có chứng nhận của đơn vị. Nếu các nhà phân phối, DN bán lẻ của Tây Ninh cùng “bắt tay” tiêu thụ thì sản phẩm sẽ xâm nhập tốt và mau chóng chiếm được thị trường với mức giá tốt nhất. Tương tự, ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn cho biết, Công ty đã đầu tư công nghệ hiện đại hoàn toàn từ Đức để cho ra thị trường những sản phẩm chế biến từ ca cao đạt chất lượng. Thương hiệu “King of Cacao” của công ty đã được xuất khẩu sang Nhật Bản và Canada. Chuyến gặp gỡ lần này, ông muốn đẩy mạnh xây dựng chuỗi phân phối và mở rộng thị trường cho sản phẩm tại Tây Ninh.

Giới thiệu sản phẩm rượu cần Y Miên Đắk (Lắk) đến với các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh.
Giới thiệu sản phẩm rượu cần Y Miên Đắk (Lắk) đến với các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh.

Nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho DN Đắk Lắk kết nối, phát triển thị trường đầu ra, ông Lê Khánh Trình, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Tây Ninh cho hay, ngoài việc hỗ trợ, đăng tải thông tin về DN, sản phẩm thế mạnh, làm “cầu nối” xúc tiến thương mại thì sắp tới Trung tâm dự kiến sẽ hỗ trợ tổ chức gian hàng “Tuần lễ sản phẩm đặc sản của tỉnh Đắk Lắk” tại siêu thị Auchan Tây Ninh. Đây là một trong những siêu thị có đang sức mua lớn và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng ở Tây Ninh. Qua đó, sẽ trưng bày, giới thiệu bán các sản phẩm chủ lực, chất lượng của Đắk Lắk đến với đông đảo người tiêu dùng ở địa phương.

Ở chiều ngược lại, ông Lê Khánh Trình cho rằng, khả năng chi tiêu của người dân Đắk Lắk cao, tiềm năng với thị trường này là rất lớn đối với các sản phẩm đặc sản của Tây Ninh như: đậu phộng tẩm gia vị, muối tôm, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, mãng cầu Bà Đen, mắm chua, trà thảo dược… Các DN tỉnh Tây Ninh như Công ty Cổ phần Máy móc thiết bị Ánh Dương, Cơ sở sản xuất Khánh Giang, Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan, Cơ sở sản xuất đậu phộng gia vị Anh Đào… cũng bày tỏ mong muốn hợp tác để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại Đắk Lắk qua các kênh như siêu thị, cửa hàng tiện lợi và tiến tới thành lập nhà phân phối, đại lý. Không bỏ lỡ cơ hội, các DN đã tập trung cung cấp thông tin, giới thiệu những sản phẩm thế mạnh có chất lượng, với mức giá cạnh tranh để tạo liên kết tiêu thụ… Như Cơ sở sản xuất Khánh Giang sản xuất muối ớt tôm, muối sấy đầu tiên của Tây Ninh với thương hiệu Mỹ Vân được chế biến, gia giảm từ các nguyên liệu ớt hiểm, tôm khô, tỏi ta, dầu thực vật… không chất bảo quản. Sản phẩm đã có mặt và khẳng định uy tín trên thị trường hơn 28 năm, nhưng lại chưa tiêu thụ phổ biến tại Đắk Lắk…

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.