Multimedia Đọc Báo in

Ngân hàng quyết tăng phí: Đừng "đẩy khó" cho người dùng

08:48, 13/07/2018

Sau một thời gian tạm lắng, 4 "ông lớn" ngân hàng là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lại “rục rịch” tăng phí rút tiền ATM nội mạng.

Liên tục bị “tuýt còi”

Theo biểu phí phát hành, sử dụng thẻ của các ngân hàng trên, kể từ ngày 15-7, phí rút tiền từ ATM nội mạng sẽ được áp dụng là 1.650 đồng/giao dịch. Cụ thể, Ngân hàng Vietcombank điều chỉnh tăng phí rút tiền ATM nội mạng từ mức 1.100 đồng lên 1.650 đồng/giao dịch, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Còn 3 ngân hàng có vốn Nhà nước khác là Vietinbank, Agribank và BIDV hiện cũng đang niêm yết mức phí giao dịch rút tiền ATM nội mạng là 1.500 đồng/giao dịch (chưa tính VAT). Trước đó, vào đầu tháng 5, cả 4 ngân hàng này đều đã thông tin sẽ tăng phí rút tiền nội mạng thêm 500 đồng/giao dịch. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, trước phản ứng gay gắt của dư luận, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có chỉ đạo đến các ngân hàng này chưa tăng phí khi chưa có sự đồng thuận của dư luận, vì vậy kế hoạch tăng phí này đã tạm hoãn lại. Lần tăng phí này, các ngân hàng không thông báo mà hầu hết khách hàng chỉ biết được khi tham khảo website của các ngân hàng. Thế nhưng, dự định và kế hoạch tăng phí ATM nội mạng của các ngân hàng lại tiếp tục bị NHNN “tuýt còi” khi yêu cầu các ngân hàng dừng kế hoạch tăng phí rút tiền ATM nội mạng để xem xét lợi ích giữa các bên.

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm dịch vụ tại Agribank Chi nhánh Bắc Đăk Lăk.
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm dịch vụ tại Agribank Chi nhánh Bắc Đăk Lăk.

Trăm phí “đổ đầu” thẻ

Lý do tăng phí được các ngân hàng đưa ra là để bù đắp chi phí mà họ đang phải bù cho mảng ATM. Thế nhưng, để sử dụng một thẻ ATM thông thường nhất, khách hàng sẽ phải trả hàng loạt khoản phí: phí phát hành, phí giao dịch rút tiền, bảo hiểm toàn diện thẻ, phí quản lý tài khoản thẻ theo tháng, phí vấn tin và in sao kê giao dịch, phí chuyển khoản… Đó là những loại phí thông dụng nhất mà mỗi chủ thẻ ATM phải trả để có thể duy trì và sử dụng thẻ. Ngoài ra còn có các loại phí khác như: phí cấp mã PIN (chỉ thu khi giao dịch tại quầy), phí sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng hằng tháng, phí tra soát, khiếu nại (chỉ thu khi khách hàng khiếu nại sai)... áp dụng tùy mỗi ngân hàng. Các loại phí này ít khi khách hàng sử dụng thẻ để ý đến bởi nó quá nhỏ so với mỗi giao dịch và số dư tài khoản thẻ.

Khách hàng đang giao dịch tại một trụ ATM trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Khách hàng đang giao dịch tại một trụ ATM trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Điều đáng nói là bên cạnh việc cho rằng việc tăng phí là để “bù đắp chi phí”, nhiều ngân hàng đã "vin" vào những quy định tại Thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành năm 2012 cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1-3-2013 và được áp dụng theo lộ trình tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2014 và lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi. Nhưng rõ ràng các quy định này đã không lường hết được các loại phí đi kèm sẽ tạo “gánh nặng” cho khách hàng sử dụng thẻ. Bởi  thực tế là Thông tư trên đã “để ngỏ” việc thu phí cho các ngân hàng khi có quy định về “giao dịch khác tại ATM” và “phí dịch vụ thẻ khác” được phép thực hiện theo biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức phát hành thẻ. Thế nên, NHNN cứ phải liên tục “tuýt còi” mỗi khi dư luận “phản ứng” trong khi các ngân hàng chưa cần đi hết lộ trình được phép.

Theo số liệu của NHNN Chi nhánh Đắk Lắk, trên toàn địa bàn tỉnh hiện có 257 máy ATM, các tổ chức tín dụng đã phát hành và đang được khách hàng sử dụng trên 925 nghìn thẻ các loại. Từ đầu năm đến nay đã có gần 6,2 triệu lượt giao dịch qua ATM, với doanh số giao dịch trên 13.790 tỷ đồng.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.