Multimedia Đọc Báo in

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Những khó khăn cần tháo gỡ

07:59, 26/08/2018
Việc sắp xếp, đổi mới, phát triển, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước hiện đang còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ…
 
Theo Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị; Nghị định 118/2014/NĐ-CP,  ngày 17-12-2014 của Chính phủ và Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, ngày 28-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai công tác cổ phần hóa 8 doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý. Trong đó, 6 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 118; 2 doanh nghiệp thực hiện theo Quyết định số 58.  
 
Trong số 6 công ty thực hiện cổ phần hóa theo Nghị định 118, Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An đã hoàn tất việc bán cổ phần với tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ 35% vốn điều lệ, tiến hành đại hội cổ đông và chính thức chuyển thành Công ty Cổ phần từ ngày 1-8-2017. Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk đã tiến hành bán cổ phần cho các nhà đầu tư tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh vào ngày 31-7-2018. Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk tiến hành thực hiện bán cổ phần vào 20-8-2018. Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi và Công ty TNHH MTV Cà phê - Ca cao Tháng 10 đang chờ ý kiến của Bộ Tài chính đối với tài sản nhà, đất tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương để hoàn thành phương án cổ phần hóa, dự kiến trong năm 2018 cũng thực hiện tiến hành bán cổ phần. Riêng Công ty TNHH MTV Sản xuất kinh doanh tổng hợp Krông Ana do giá trị doanh nghiệp sau khi xác định nhỏ hơn nợ phải trả, nên không đủ điều kiện thực hiện cổ phần hóa. UBND tỉnh đã chuyển đổi theo hình thức giải thể và báo cáo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển nông nghiệp, Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Chế biến cà phê ướt tại Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk.
Chế biến cà phê ướt tại Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk.
Đối với 2 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối (36%) theo Quyết định số 58 gồm: Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường, Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng, hiện nay UBND tỉnh đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp và đang tiến hành xây dựng phương án cổ phần hóa. Dự kiến, tỉnh sẽ phê duyệt trong tháng 8 và thực hiện bán cổ phần trong năm 2018. 
 
Tuy nhiên, qua kết quả bán cổ phần ra công chúng tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đối với Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, giá trị thực tế của doanh nghiệp 2.341,7 tỷ đồng; giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp 1.558 tỷ đồng thì theo phương án cổ phần hóa, cơ cấu vốn điều lệ, Nhà nước nắm giữ 560,88 tỷ đồng (36%), số lượng cổ phần chào bán 97.575.500 cổ phần (62,23%), giá khởi điểm 12.600 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, quá trình niêm yết có 69 nhà đầu tư đăng ký, tổng khối lượng 54.500 cổ phần được bán với tổng giá trị 692,85 triệu đồng. Tỷ lệ cổ phần bán cho các nhà đầu tư qua Sở Giao dịch chứng khoán chỉ đạt 0,055%. Nếu cổ phần ưu đãi bán cho người lao động với số lượng 2.136.500 cổ phần, tương đương 21,365 tỷ đồng, chiếm 1,37% vốn điều lệ được bán hết thì cổ phần bán ưu đãi và bán ra công chúng chỉ đạt 1,425% và cơ cấu vốn điều lệ Nhà nước phải điều chỉnh lại 98,575%. Như vậy, mục tiêu cổ phần hóa đối với Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk là Nhà nước nắm giữ cổ phần không chi phối sẽ không đạt. 
 
Việc bán cổ phần đối với 5 công ty còn lại cũng sẽ gặp khó khăn do các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc tỉnh quản lý đang thực hiện cổ phần hóa với hình thức Nhà nước không giữ cổ phần chi phối nên sẽ không được lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, vì vậy không hấp dẫn nhà đầu tư mua cổ phần muốn gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp điều kiện, đặc điểm của doanh nghiệp cổ phần hóa. 
 
Để tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trong đó đề xuất đối với Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk cho phép UBND tỉnh tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư khác mua cổ phần còn lại chưa bán hết trước thời điểm chuyển thành công ty cổ phần nhằm bảo đảm mục tiêu hiệu quả của quá trình chuyển đổi. Đối với các doanh nghiệp còn lại, cho phép chủ sở hữu (UBND tỉnh) được lựa chọn và bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược. 
 
Lê Hương
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.