Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk nỗ lực thu hút đầu tư du lịch (Kỳ 1)

08:11, 19/08/2018
Làm thế nào để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch nhằm giúp ngành kinh tế quan trọng này bứt phá là vấn đề quan trọng được chính quyền địa phương quan tâm đặt ra từ hơn 10 năm qua. Theo đó, nhiều chủ trương, chính sách được cơ quan có thẩm quyền ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với Đắk Lắk.
 
Kỳ 1: “Thảm đỏ” đã trải…
 
Có thể nói vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển du lịch ở Đắk Lắk được thể hiện rất rõ thông qua nhiều chính sách ưu đãi về thuế và đất; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực; quảng bá, xúc tiến thương mại - du lịch... Theo đó, Nhà nước còn bảo đảm về công tác an toàn, an ninh trong hoạt động du lịch; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; định hướng xây dựng và phát triển ngành kinh tế này bằng các chương trình, kế hoạch hành động kịp thời và cụ thể. 
Ví như thời gian qua, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 04-10-2016 về “Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch giai đoạn 2016 – 2020”; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND ngày 30-8-2016 về “Phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020” và UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3394/QĐ-UBND ngày 15-11-2016 về “Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020”. Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Đắk Lắk, những động thái trên được xem là “tấm thảm đỏ” tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm đến với tỉnh nhà. Và trên thực tế, kể từ năm 2006 đến nay đã có 24 dự án du lịch được xúc tiến, triển khai trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư khoảng 3.860 tỷ đồng. Trong số đó đã có 12 dự án đi vào hoạt động, 2 dự án đang triển khai xây dựng và 9 dự án đang triển khai thủ tục đầu tư. 
 
Một góc Khu Du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng Kô Tam.
Một góc Khu Du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng Kô Tam.
Một số dự án có tính khả thi cao, quy mô lớn tạo bước đột phá mạnh mẽ cho ngành “công nghiệp không khói” ở địa phương như: Khu du lịch văn hóa - sinh thái dọc sông Sêrêpốk (Buôn Đôn), Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Hồ Lắk (huyện Lắk) và Cụm du lịch sinh thái thác Gia Long - Dray Nur (Krông Na)… được UBND tỉnh cùng các ban, ngành chức năng hết sức quan tâm. Đặc biệt, Khu du lịch văn hóa - sinh thái Suối Xanh (TP. Buôn Ma Thuột) của Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, mặc dầu chậm tiến độ, nhưng vẫn được UBND tỉnh gia hạn nhiều lần nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo cam kết (sẽ đưa vào hoạt động chậm nhất là ngày 19-5-2020). Hoặc như dự án Hồ Ea Kar – Đồi Chư Cúc (huyện Ea Kar), do phương án đền bù, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, vướng mắc nên nhà đầu tư phải tạm dừng hồ sơ thuê đất, UBND tỉnh đã kịp thời có văn bản chỉ đạo và xử lý vấn đề trên; đồng thời thống nhất chủ trương cho nhà đầu tư (Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng – Thương mại – Đầu tư và Du lịch Ea Kar) thuê 9,16 ha đất có rừng trồng trên địa bàn, điều chỉnh quy mô và hoàn thiện thủ tục pháp lý để dự án tiếp tục được triển khai. Những khu, điểm du lịch khác cũng được cấp thẩm quyền bàn giao mặt bằng để khởi động với mục đích, yêu cầu thân thiện với cảnh quan - môi trường; tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao, khác biệt và  giàu bản sắc nhằm thu hút du khách.
 
“Văn hóa cà phê” được Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên giới thiệu tại Lễ khởi công xây dựng Thành phố cà phê (thuộc Khu du lịch văn hóa – sinh thái Suối Xanh).
“Văn hóa cà phê” được Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên giới thiệu tại Lễ khởi công xây dựng Thành phố cà phê (thuộc Khu du lịch văn hóa – sinh thái Suối Xanh).
Theo đó, vấn đề đầu tư kết cấu hạ tầng cho ngành du lịch cũng được chính quyền địa phương quan tâm đẩy mạnh. Số liệu từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở KH – ĐT) cho thấy, một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã được triển khai xây dựng nhằm thu hút đầu tư, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch như: Đường giao thông từ trung tâm xã Ea Sol  (huyện Ea H’leo) đi vào danh thắng thác Bảy Tầng; bờ kè chắn đất kết hợp giao thông cho người đi bộ quanh Hồ Lắk; bờ kè chống sạt lở trong Khu du lịch Buôn Đôn và đường vào hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) với kinh phí gần 400 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều dự án xây dựng cơ sở vật chất khác như đường bao quanh Khu du lịch hồ Ea Súp Thượng; đồi Cư H’lâm - huyện Cư M’gar; mở rộng trung tâm khu du lịch Buôn Trí A – Buôn Đôn và đường nội bộ điểm du lịch cộng đồng buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) cũng được quy hoạch, xúc tiến đầu tư trong thời gian tới. 
 
Có thể nói, tất cả những động thái trên đã thể hiện sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy và phát triển ngành kinh tế quan trọng này theo lộ trình đặt ra.  
 
“Mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch đón khoảng 1,1 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 1.330 tỷ đồng. Đến năm 2030 sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hàng năm đóng góp vào ngân sách từ 3- 4% GDP – (Theo Đề án Phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030)

(Còn nữa)

 
Đình Đối
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.