Multimedia Đọc Báo in

Gỡ khó cho giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản

12:18, 22/08/2018

Thời gian qua, mặc dù tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh kết quả giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), nhưng kết quả giải ngân ở lĩnh vực này không được như kỳ vọng.

Vướng nhiều, giải ngân ít

Theo báo cáo tại cuộc họp chuyên đề đánh giá việc thực hiện kế hoạch đầu tư XDCB 7 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2018 do Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Tuấn Hà chủ trì vào sáng 17-8, hầu hết các nguồn vốn đều có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Trong đó, nguồn vốn năm 2016 kéo dài sang năm còn trên 6,1 tỷ đồng của 54 dự án; nguồn vốn từ năm 2017 kéo dài thực hiện sang năm 2018 trên 191,4 tỷ đồng, đến nay đã được các cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài sang năm 2018 là trên 178,5 tỷ đồng, còn hơn 12,9 tỷ đồng chưa được Trung ương cho phép kéo dài. Tuy nhiên theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh, đến 31-7-2018 mới chỉ giải ngân được hơn 36,9 tỷ đồng/178,5 tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch (còn lại chưa giải ngân trên 141,6 tỷ đồng/106 chương trình, dự án của 42 chủ đầu tư). Trong khi đó, tổng vốn XDCB thuộc ngân sách nhà nước (ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu (bao gồm vốn trong nước và vốn ODA), trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia) năm 2018 đã giao kế hoạch trên 3.883 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 1.022 tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch.

 Một đoạn Tiểu Dự án Buôn Ma Thuột chưa thi công được do vướng giải phóng mặt bằng.   Ảnh: G. Nam  Giang Nam
Một đoạn Tiểu Dự án Buôn Ma Thuột chưa thi công được do vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: G. Nam 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư XDCB thấp là do công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án đang gặp khó khăn. Chẳng hạn ở TP. Buôn Ma Thuột là địa phương có nhiều dự án trọng điểm đang được đầu tư thực hiện nhưng có tổng vốn giải ngân thấp và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn của toàn tỉnh. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Lưu Văn Khôi, khó khăn nhất hiện này là công tác giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam số vốn bố trí kế hoạch đã giao trong hai năm 2017, 2018 là 630 tỷ đồng, năm 2017 chỉ giải ngân được gần 3,7 tỷ đồng. Hay như Tiểu Dự án Buôn Ma Thuột (thuộc Dự án phát triển các thành phố loại 2 tại Quảng Nam, Hà Tĩnh, Đắk  Lắk) có kế hoạch vốn năm 2018 hơn 446,7 tỷ đồng, đến nay mới chỉ giải ngân được hơn 79 tỷ đồng (17,7% kế hoạch) do hiện nay còn 700 m (từ tổ dân phố 7, phường Tân Lập đến đường Nguyễn Văn Cừ), rải rác một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng… thuộc công trình đường Trần Quý Cáp và 1.000 m đường Mai Thị Lựu. Dự án mở rộng bùng binh km3 (phường Tân Lập) có kế hoạch vốn năm 2018 là 10,4 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ giải ngân được chi phí tư vấn khoảng 150 triệu đồng. Nguyên nhân là do đang triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng nên chưa triển khai được các bước tiếp theo…

Cũng gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên (giai đoạn 2) có kế hoạch vốn 2018 gần 81,2 tỷ đồng, đến nay mới chỉ giải ngân được gần 14,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư lớn nhất chi dự án này là Tiểu dự án Bệnh viện Đa khoa Krông Búk chưa bàn giao 3.315 m2 cho đơn vị thi công. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Xuân Thủy, chỉ cần UBND huyện Krông Búk bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư sẽ tiến hành ngay các bước kế tiếp theo kế hoạch. Tuy nhiên đến nay UBND huyện Krông Búk vẫn chưa lập được phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư do chờ UBND tỉnh cho chủ trương hỗ trợ giá đền bù đối với các hộ dân sử dụng đất lâm nghiệp.

Cần có phương án rút ngắn các thủ tục

Ngoài khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, còn có tình trạng chủ đầu tư chưa tích cực, chủ động giải ngân, chậm lập và hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục các dự án đã được bố trí vốn, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, dự án hoàn thành quyết toán. Một số dự án đang trong quá trình điều chỉnh thiết kế, dự toán gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân thanh toán vốn; công tác phân bổ vốn thuộc một số chương trình mục tiêu còn chậm. Tại hội nghị này, nhiều địa phương, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp đã cam kết sẽ thực hiện giải ngân đúng kế hoạch trong quý IV-2018. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ những cam kết này cũng chỉ thực hiện được nếu các vướng mắc về thủ tục đầu tư được giải quyết. Đại diện Ban Quản lý dự án tỉnh cho rằng, thời gian còn lại của năm 2018 không nhiều, do đó nếu các thủ tục đầu tư vẫn giữ đúng theo những quy định hiện nay và được các ngành chức năng liên quan thực hiện một cách “máy móc” thì chắc chắn sẽ không thực hiện giải ngân theo kế hoạch được. Chẳng hạn đối với những công trình mở mới năm 2018, Chính phủ yêu cầu phải giải ngân được tối thiểu 30% trước ngày 30-9-2018. Thế nhưng, chiếu theo các quy định hiện hành về công tác chuẩn bị đầu tư (lập dự án, dự toán, tổ chức đấu thầu…) và nếu may mắn không vướng việc giải phóng mặt bằng thì cũng không thể khởi công trước thời điểm này, dẫn đến không có khối lượng để thực hiện giải ngân. Đồng quan điểm trên, đại diện UBND huyện Ea H’leo cũng cho rằng, nên chăng ở một số dự án, tỉnh nên mạnh dạn phân cấp, ủy quyền cho huyện thực hiện đồng thời các bước cần thiết trong quá trình chuẩn bị đầu tư để rút ngắn thời gian phê duyệt, bố trí vốn.

Thi công nâng cấp một tuyến đường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: G.Nam
Thi công nâng cấp một tuyến đường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: G.Nam

Bên cạnh những phương án trên, nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng cũng cần có giải pháp mạnh tay đối với các chủ đầu tư thiếu quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư XDCB. Bởi trong thực tế, hiện có nhiều chủ đầu tư, nhà thầu dây dưa, không thực hiện các cam kết như hồ sơ thầu hoặc giao nhà thầu phụ thi công cẩu thả, kém chất lượng dẫn đến việc kéo dài thời gian thi công, thời gian nghiệm thu ảnh hưởng đến thời gian giải ngân chung.

Một số dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư, bố trí vốn nhưng lại chậm tiến độ ảnh hưởng đến kết quả giải ngân. Điển hình như Dự án hệ thống xử lý nước thải tập trung cụm công nghiệp Tân An 1 và 2 (TP. Buôn Ma Thuột) có kế hoạch vốn năm 2018 được bố trí 4,1 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa giải ngân được đồng nào do nhà thầu không thi công. UBND TP. Buôn Ma Thuột đang đề nghị chuyển hồ sơ sang Công an giải quyết.

Để giải quyết những vướng mắc trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà yêu cầu các ngành chuyên môn nghiên cứu phương án khả thi và các quy định liên quan để tháo gỡ khó khăn, rút ngắn giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Song song đó, địa phương, các chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện các bước tiếp theo đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời nhấn mạnh, các địa phương, các chủ đầu tư và các ngành liên quan phải hoàn thành kế hoạch giải ngân như đã cam kết; nếu không sử dụng hết vốn, không giải ngân theo đúng tiến độ đến 30-9-2018 sẽ kiên quyết chuyển vốn; song song với thực hiện tiến độ giải ngân, các nhà thầu, chủ đầu tư phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả các công trình được đầu tư…


Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.