Multimedia Đọc Báo in

Vượt khó trên vùng đất cằn

08:36, 28/08/2018

Dáng người thư sinh, cùng nụ cười hiền lành, ít ai biết chàng thanh niên Nguyễn Chánh Quang (SN 1991, ở thôn Giang Phước, xã Tam Giang, huyện Krông Năng) là người đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, biến mảnh đất cằn cỗi trở nên đầy sức sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi đang học lớp 11, Quang phải nghỉ học để phụ giúp gia đình làm nông. Làm việc vất vả mà hiệu quả lại không cao, được một năm thì Quang đi học lại với quyết tâm học thêm kiến thức để thay đổi phương thức canh tác trong nông nghiệp. Năm 2012 Quang thi đỗ vào Trường Đại học Nông Lâm (TP. Hồ Chí Minh), đến năm 2015 thì tốt nghiệp. Thời gian đầu khi về quê, Quang lập phương án canh tác để trình bày, thuyết phục mọi người trong gia đình cùng thực hiện.

Đầu tiên Quang quyết định không sử dụng thuốc diệt cỏ, mà chỉ sử dụng phân hữu cơ để cải tạo đất. Giai đoạn đầu, khi mới trồng, các giống cây còn yếu, bị sâu bệnh nhiều nên tỷ lệ chết lên đến 40%. Không nản chí, Quang thường xuyên kiểm tra, theo dõi, chụp hình và bắt các loại bọ gây bệnh về đựng trong những hộp chuyên dụng. Sau đó, Quang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với liều lượng khác nhau, ghi chép và xác định liều lượng đủ dùng để tiêu diệt các loại bọ gây bệnh mà không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Anh Nguyễn Chánh Quang kiểm tra vườn cam xoàn.
Anh Nguyễn Chánh Quang kiểm tra vườn cam xoàn.

Lấy ngắn nuôi dài, Quang trồng các loại cây như ổi lê Đài Loan, chanh tứ quý, cau cảnh… Tiếp đó Quang nhân giống và trồng các loại cây ăn quả phù hợp với nhổ nhưỡng như: cam xoàn, cam sành, nhãn xuồng cơm vàng, dừa dứa…; đồng thời đào thêm ao để thả cá... Quang chia sẻ, mỗi loại cây trồng đều có tính tương hỗ cho nhau, như giống ổi lê Đài Loan có khả năng tiết ra một mùi hương đặc trưng xua đuổi các loại rầy gây bệnh vàng lá gân xanh trên các loại cây có múi như cam, quýt… Khác biệt nhất trong cách canh tác của Quang là vẫn để cây cỏ phát triển chứ không dùng thuốc diệt cỏ. Theo Quang thì cây cỏ trong vườn góp phần giữ nước cho đất, chống xói mòn, rửa trôi; nắng giữ được độ ẩm. Phương pháp của Quang là dùng máy cắt để cây cỏ không ra hoa và khoảng 1 năm thì dùng máy múc xới cả gốc lên, không để cỏ phát triển quá lớn, ảnh hưởng đến các loại cây trồng và tạo thêm nguồn phân sinh học cho đất từ cỏ.

Áp dụng kiến thức về nông nghiệp phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, nếu như trước đây gia đình chỉ trồng được 1 vụ lúa thì sau hơn 3 năm cải tạo, hiện nay mảnh vườn đã mang lại cho gia đình Quang thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Có được thành công ban đầu, lại được sự hỗ trợ của Huyện Đoàn Krông Năng, giữa năm 2017, Quang cùng 8 thanh niên trên địa bàn, chung tay thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp vận tải thanh niên Đồng Tiến. Đến nay, hợp tác xã đã phát triển lên 12 thành viên, trong đó có 4 thành viên có trình độ đại học, cao đẳng. Quang tâm sự, mục tiêu của các thành viên hợp tác xã là vận dụng kiến thức mới về nông nghiệp, khoa học kỹ thuật vào canh tác và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, vừa mang lại sức khỏe cho người nông dân, người tiêu dùng mà vẫn mang lại thu nhập tốt. Qua đó, hướng đến việc phát triển nông nghiệp bền vững.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.