Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng thương hiệu "Gạo Krông Ana" từ tiềm năng vùng lúa

08:57, 29/08/2018

Huyện Krông Ana có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp chủ yếu là lúa nước 2 vụ. Phát huy thế mạnh tiềm năng ấy, chính quyền địa phương nơi đây đang tập trung xây dựng thương hiệu “Gạo Krông Ana” nhằm nâng tầm giá trị hạt gạo thơm ngon trên những cánh đồng được bồi đắp phù sa của hai con sông lớn là Krông Nô và Krông Ana.

Những trăn trở từ vựa lúa

Huyện Krông Ana có hơn 11 nghìn ha lúa nước, nằm trải rộng khắp vùng bồi đắp phù sa của hai con sông lớn Krông Nô và Krông Ana. Nhờ có nguồn nước dồi dào, đất đai màu mỡ và khí hậu ôn hòa của vùng cao nguyên nhiệt đới, nông dân đã canh tác thành công nhiều giống lúa đặc sản với năng suất và chất lượng cao như: RVT, HT1, VS1, OM4900, OM6162... Trong đó, giống lúa RVT được trồng phổ biến nhất, chiếm tới khoảng 40% tổng diện tích lúa nước toàn huyện, sau đó là các giống OM4900 (20%), giống OM6162 (10%) và các giống lúa khác. Phân tích về chỉ tiêu hóa lý, gạo sản xuất tại Krông Ana có hàm lượng protein đạt từ 8-9,2%, cao hơn nhiều so với hàm lượng protein trung bình của gạo trắng, gạo lứt; hàm lượng amylose lại tương đối thấp (15,2-19,5%), cơm dẻo nhưng không dính, vị đậm, thơm ngon.

Nông dân ở huyện Krông Ana áp dụng cơ giới hóa thu hoạch lúa.
Nông dân ở huyện Krông Ana áp dụng cơ giới hóa thu hoạch lúa.

Nông dân tại Krông Ana chủ yếu sản xuất lúa theo mô hình hợp tác xã (HTX), áp dụng thuần thục giữa các yếu tố khoa học kỹ thuật với kinh nghiệm sản xuất lâu năm. Những năm trở lại đây, một số hợp tác xã đã đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp đối tác để sản xuất lúa giống, tìm đầu ra ổn định hơn cho nghề sản xuất lúa. Thành công trong việc liên kết sản xuất lúa giống có thể kể đến HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhật Minh. HTX bắt đầu liên kết sản xuất lúa giống với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương từ vụ đông – xuân 2015 – 2016 với diện tích 30 ha. Đến nay, HTX đã mở rộng diện tích liên kết sản xuất lúa giống cho đơn vị này lên đến 120 ha, với sản lượng lên tới hơn 1 nghìn tấn. Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nhật Minh cho biết, đa số nông dân tham gia sản xuất lúa giống đều tuân thủ tốt quy trình sản xuất theo yêu cầu của đối tác. HTX thực hiện tốt vai trò giám sát, quản lý, thu gom và đảm bảo chất lượng để xây dựng uy tín lâu dài của cả 3 bên: nông dân – HTX – doanh nghiệp. Nhờ vậy, tỷ lệ lúa đạt chuẩn được thu mua với giá cao hơn 13% so với giá thị trường; trong đó, nông dân hưởng lợi trực tiếp 10%, HTX nhận được 3% trên tổng sản lượng lúa bán ra. Tương tự, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Bình cũng đã và đang xây dựng được khoảng 100 ha sản xuất lúa giống cho các đối tác. Ông Nguyễn Văn Sanh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Thanh Bình chia sẻ, giống lúa và kỹ thuật canh tác được bảo đảm theo yêu cầu của đối tác với giá trị tăng thêm nông dân được hưởng đối với lúa đạt chuẩn là 10%, HTX nhận được 300 đồng/kg.

Tuy nhiên, diện tích lúa được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ chưa nhiều. Ở HTX Nhật Minh, phần diện tích sản xuất lúa giống cho doanh nghiệp chiếm 30% trong tổng số 400 ha. Còn tại HTX Thanh Bình, con số này nhỏ hơn nhiều, chỉ chiếm hơn 8% trong tổng số 1.200 ha. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất lúa giống cũng chưa có nhu cầu liên kết sản xuất ổn định, lâu dài nên các HTX luôn phải tìm đối tác cho vụ mới. Thêm vào đó, phần lớn sản lượng lúa thu hoạch tại vùng lúa Krông Ana được thu mua bởi thương lái địa phương và thương lái từ nhiều tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... nên tình trạng ép giá, phá giá hoặc thu mua cả lúa tươi vận chuyển đi nơi khác đã từng xảy ra. Điều này dẫn đến hiện tượng thiếu nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy xay xát tại địa phương ở một số thời điểm trong năm, khiến các nhà máy nơi đây phải nhập lúa từ các vùng khác về.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu

Từ cuối năm 2017, chính quyền huyện Krông Ana đã bắt tay xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”. Đến nay, huyện đã hoàn thành việc xây dựng đề cương thuyết minh, tổ chức cuộc thi và thống nhất chọn lựa mẫu logo cho nhãn hiệu “Gạo Krông Ana” và đang đề nghị UBND tỉnh cho phép sử dụng địa danh Krông Ana trên logo. Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Phòng NN-PTNT huyện cũng đang gấp rút tiến hành các bước điều tra cơ sở dữ liệu về sản xuất, kinh doanh gạo trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng các quy trình, quy chế sử dụng nhãn hiệu; quy trình cấp phép và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch; quy trình kiểm soát chất lượng gạo mang nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”. Dự kiến khoảng cuối tháng 9-2018, UBND huyện sẽ lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana” để đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt. Theo ông Trần Phước Ku Ba, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana” sẽ gắn với sản phẩm gạo sản xuất theo quy trình an toàn, có chứng nhận, có thể truy xuất nguồn gốc. Song song với việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”, Phòng NN-PTNT huyện Krông Ana cũng nỗ lực thúc đẩy hình thành các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nông dân huyện Krông Ana thu hoạch lúa vụ hè thu.
Nông dân huyện Krông Ana thu hoạch lúa vụ hè thu.

Bà Lê Thị Hằng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT  huyện cho biết, nhiều đơn vị HTX sản xuất lúa nước tại địa phương đã đăng ký để được cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng các mô hình VietGAP, đầu tư nhà máy xay xát lúa và sử dụng nhãn hiệu “Gạo Krông Ana” trên bao bì. Phòng đang tiếp tục đề nghị lên các cơ quan có thẩm quyền để sớm triển khai các hoạt động hỗ trợ cụ thể hơn. Nông dân hiện nay cũng đã có nhận thức cao về tầm quan trọng của sản xuất an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng cũng như chính bản thân họ. Điều quan trọng nhất là tạo được động lực, giúp họ nhận thấy lợi ích về kinh tế từ việc tham gia các dự án VietGAP để mạnh dạn chuyển đổi sang các phương pháp sản xuất bền vững hơn, góp phần xây dựng những thương hiệu gạo đặc sản có xuất xứ từ vựa lúa Krông Ana.

Là hướng đi phù hợp với xu hướng và nhu cầu của thị trường, việc xây dựng thương hiệu “Gạo Krông Ana” mà chính quyền địa phương đang tập trung triển khai thực hiện sẽ góp phần nâng cao giá trị thương mại của hạt gạo, cải thiện thu nhập cho người sản xuất lúa gạo nơi đây.

Lê Hương - Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.