Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn đập, hồ thủy lợi: Nỗi lo từ các hồ chứa nhỏ

08:24, 11/09/2018

Đắk Lắk được đánh giá là tỉnh có nhiều hồ chứa, nhiều hệ thống liên hồ nhất khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, rất nhiều công trình vừa và nhỏ được xây dựng qua nhiều thời kỳ nên đã xuống cấp, hư hỏng, đến nay vẫn chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao...

Toàn tỉnh hiện có 605 hồ thủy lợi, tổng dung tích khoảng 650 m3, trong đó có 583 hồ chứa có dung tích dưới 3 triệu m3. Trong số các hồ chứa nước thủy lợi, ngoại trừ các công trình lớn và vừa (246 hồ chứa) do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk đang quản lý khai thác là cơ bản bảo đảm an toàn thì hầu hết các công trình còn lại (chủ yếu là các hồ chứa nhỏ) do các huyện, xã, hợp tác xã dùng nước và các doanh nghiệp quản lý đều đã xuống cấp.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (người đi đầu, bên phải) và đoàn công tác kiểm tra hồ chứa nước trên địa bàn huyện Cư Kuin.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (người đi đầu, bên phải) và đoàn công tác kiểm tra hồ chứa nước trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Theo kết quả kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn đập của các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh của Sở NN-PTNT, trong số 95 công trình bị hư hỏng, mất nguy cơ an toàn cao, hiện có đến 55 công trình được xếp vào diện cần sửa chữa gấp vì đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, chủ yếu là những công trình có dung tích chứa nước dưới 3 triệu m3. Phần lớn các hồ này được xây dựng từ những năm sau giải phóng nên thiếu tài liệu thiết kế (nhất là tài liệu thủy văn), chất lượng thi công không tốt, việc duy tu bảo dưỡng không được thường xuyên nên công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, nhất là các hồ chứa thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam quản lý. Tình trạng mất an toàn phổ biến ở các hồ chứa này gồm: Đập đất không đủ cao độ chống lũ theo tiêu chuẩn chống lũ hiện hành (TCVN 285-2002), bị thấm, mái hạ lưu đập bị xói lở, mái thượng lưu đập không được gia cố hoặc lớp gia cố bị bong tróc, hư hỏng nặng; cống lấy nước xuống cấp hoặc không có cống lấy nước, không có tràn xả lũ... Đây là mối nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng xói ngầm thân đập.

 
“Đối với nhóm công trình vừa và nhỏ, đây là nhóm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao, vì vậy các địa phương cần phải rà soát và có kế hoạch tổng thể sửa chữa, cần bố trí ngay kinh phí của địa phương sửa chữa các hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng để bảo đảm an toàn. Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý, trong đó lưu ý địa phương chỉ giao việc quản lý các công trình cho các đơn vị đủ năng lực; tuyệt đối không tích nước hoặc tích nước hạn chế đối với các hồ chứa đã hư hỏng xuống cấp…”. 
 
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh

Theo ông Lê Thế Chỉ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, hiện đơn vị có khoảng 155 công trình, riêng ở Đắk Lắk có 68 hồ, đập. Trước kia, Tổng Công ty còn có vốn ngân sách của Bộ NN-PTNT cấp thì hằng năm đều làm kế hoạch để duy tu, sửa chữa, làm mới… Tuy nhiên, khoảng từ năm 2000 trở lại đây, do không được hưởng ngân sách nữa nên không có nguồn kinh phí để đầu tư sửa chữa, nâng cấp dẫn đến sự xuống cấp, bồi lắng của các hồ đập ngày càng tăng lên, khiến năng lực tưới, sức chứa giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, bộ phận được giao quản lý các hồ chứa lại thường không có chuyên môn về thủy lợi nên việc quản lý có nhiều bất cập. Chủ trương của Tổng Công ty là tiếp tục bàn giao về cho các đơn vị, địa phương quản lý khai thác để việc bảo đảm an toàn hồ đập được thực hiện tốt hơn.

Trên thực tế, phần lớn các hồ chứa vừa và nhỏ luôn trong tình trạng thiếu kinh phí tu sửa, nâng cấp. Đơn cử như Nghị quyết 414/2014/NQ-HĐND về an toàn hồ chứa trên địa bàn Đắk Lắk đã được HĐND tỉnh thông qua từ năm 2014, với tổng số 307 hồ chứa và vốn dự kiến 2.343 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương 750 tỷ đồng. Thời gian qua, bằng nguồn vốn vay ODA và vốn cấp bách phòng chống khắc phục hạn hán Trung ương hỗ trợ, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện với tổng kinh phí khoảng 528 tỷ đồng. Nguồn vốn còn lại cần là 1.815 tỷ đồng vẫn chưa có kinh phí để thực hiện.

Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk kiểm tra cống lấy nước hồ Ea Nao (TP. Buôn Ma Thuột).
Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk kiểm tra cống lấy nước hồ Ea Nao (TP. Buôn Ma Thuột).

Tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk về công tác bảo đảm an toàn hồ đập, Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi nhấn mạnh, Đắk Lắk có nhiều hồ chứa nên việc bảo đảm an toàn hồ đập là vấn đề hết sức quan trọng. Do đó, đối với 91 hồ chứa chưa có quy trình vận hành cần phải sớm xây dựng, không nên chủ quan nhất là trong mùa mưa lũ. Đối với 95 hồ chứa bị hư hỏng, trong đó có 55 hồ đặc biệt xung yếu, Đoàn công tác đề nghị, ngoài 10 hồ được giải quyết bằng nguồn vốn của Dự án sửa chữa và nâng cấp an toàn đập (WB8), còn 45 hồ, tỉnh cần xem xét, quan tâm bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa kịp thời. Riêng với công tác an toàn đập, tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trong phòng chống lũ lụt, nhất là đối với vùng hạ du, làm sao bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản của người dân.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.