Multimedia Đọc Báo in

Chuyển hướng sản xuất trong bối cảnh giá nông sản giảm mạnh

09:13, 10/09/2018

Do tác động của cán cân thương mại và bối cảnh kinh tế toàn cầu, năm nay giá các loại nông sản chủ lực của tỉnh là hồ tiêu, cà phê tiếp tục giảm mạnh, tác động không nhỏ đến đời sống, chiến lược sản xuất của nông dân.

Nông dân gặp khó

Cà phê là một trong những nông sản chủ lực của tỉnh hàng chục năm qua, đem đến nguồn thu nhất định cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, năm nay giá cà phê giảm mạnh khiến nhiều nông hộ gặp khó. Ông Nguyễn Văn Hòa (thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) cho hay, gia đình ông có hơn 1 ha cà phê, niên vụ 2017-2018 thu về hơn 4 tấn. Do giá thời điểm thu hoạch ở mức trên dưới 40 triệu đồng/tấn, chỉ đủ huề vốn nên gia đình chỉ bán 2 tấn để chi trả chi phí thuê nhân công thu hoạch, số còn lại giữ lại với mong muốn chờ giá lên hoặc đến mùa chăm sóc mới bán để có chi phí tái đầu tư. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá cà phê luôn ở mức thấp, hiện tại chỉ ở mốc 33-34 triệu đồng/tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2017, nếu bán ở mức giá này gia đình phải chịu thua lỗ nên gia đình chọn phương pháp mua nợ vật tư sản xuất.

Nông dân xã Ea Ninh, huyện Cư Kuin chăm sóc hồ tiêu.
Nông dân xã Ea Ninh, huyện Cư Kuin chăm sóc hồ tiêu.

Tương tự, hồ tiêu - một trong những mặt hàng chủ lực của tỉnh  cũng bị ảnh hưởng nặng nề do rớt giá. Đợt giảm giá sâu kéo dài từ cuối năm 2016 đến nay khiến cây trồng từng được mệnh danh là “vàng đen” trở thành gánh nặng nợ nần của nhiều gia đình. Ông Hoàng Văn Ninh (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) cho hay, niên vụ 2015-2016 gia đình thắng lớn do giá hồ tiêu tăng cao trên dưới 200.000 đồng/kg, nhưng diện tích sản xuất lại thấp, chỉ có gần 1 ha. Để đón đầu mùa vụ những năm tiếp theo, gia đình dồn hết toàn bộ nguồn lợi nhuận thu được và vay vốn ngân hàng mua thêm rẫy cà phê để xen canh hồ tiêu sản xuất. Tuy nhiên, những năm gần đây giá cà phê, hồ tiêu không ổn định, đặc biệt là hồ tiêu xuống dưới mốc 50 triệu đồng/tấn, thậm chí có thời điểm chỉ còn 47 triệu đồng/tấn (giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2017) khiến gia đình ông đang lâm vào cảnh khó khăn.

 
“Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết những năm gần đây biến đổi bất thường khiến các loại cây trồng đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Vì vậy bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên, chủ động mọi biện pháp phòng bệnh kịp thời nhằm giảm chi phí đầu tư, bảo đảm chất lượng nông sản cuối vụ…”
 
Tiến sĩ  Trương Hồng , Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên

Nông dân trực tiếp sản xuất - những người lấy công làm lãi đã khó khăn, các nông hộ tích trữ lại càng lỗ nặng hơn khi giá liên tục giảm, chi phí đầu tư kho bãi, bảo quản tăng cao do biến đổi khí hậu.

Cần canh tác vườn cây hợp lý

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, chi phí phân bón chiếm 45-48% giá thành sản xuất cà phê, nhưng nông dân lại sử dụng phân bón không hợp lý. Cụ thể, lượng phân bón trung bình nông dân Tây Nguyên sử dụng cho mỗi ha cà phê mỗi năm là 871 kg (389 kg đạm, 158 kg lân, 342 kg kali), vượt 86 kg so với khuyến cáo. Riêng tỉnh Đắk Lắk mức khuyến cáo là 679 kg phân/ha/năm (312 kg đạm, 110 kg lân, 275 kg kali) nhưng người dân bón tới 891 kg (382 kg đạm, 197 kg lân, 312 kg kali), vượt 212 kg so với khuyến cáo.

Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên phân tích, cà phê, hồ tiêu là cây công nghiệp dài ngày, chi phí đầu tư ban đầu lớn, nếu niên vụ này không chăm sóc hợp lý sẽ ảnh hưởng đến những vụ mùa tiếp theo. Vì vậy, trong bối cảnh giá nông sản giảm mạnh như hiện nay thì trước tiên nông dân phải duy trì sự sinh trưởng phát triển của cà phê, hồ tiêu.

Nông dân xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Nông dân xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Đồng thời, chuyển hướng chăm sóc, ưu tiên sử dụng các phế, phụ phẩm làm phân bón hữu cơ, ép phân xanh, hạn chế bón phân hóa học; bón đúng thời điểm theo nhu cầu của cây; lượng phân bón dựa theo năng suất vườn cây; cắt tỉa cành, tạo tán cho vườn cây theo đúng kỹ thuật. Nông sản giảm giá, người dân thua lỗ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì chính việc phát triển ồ ạt, chạy đua trong sản xuất, cường canh của một số nông dân là một trong những nguyên nhân khiến giá giảm mạnh.

Thực tế từ nhiều niên vụ gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu không thông quan nông sản tại các thị trường nước ngoài được do vấn đề chất lượng và doanh nghiệp phải chịu mọi phí tổn liên quan, dẫn đến việc thu mua nông sản cho nông dân bị hạn chế. Vì vậy, thời điểm này cũng là lúc người dân đang xem lại cách sản xuất của mình và chuyển hướng sang sản xuất an toàn hơn, vừa bảo đảm chất lượng nông sản vừa tiết kiệm chi phí đầu tư.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.