Multimedia Đọc Báo in

Công tác giảm nghèo ở Krông Ana: Vẫn còn nhiều trăn trở

08:42, 07/09/2018

Từ nhiều chương trình hỗ trợ, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Krông Ana đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn hiện vẫn còn nhiều trở ngại, chưa thiết thực và không đạt hiệu quả cao.

Tiếp thêm động lực cho người nghèo

Là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện, thế nhưng những năm gần đây, công tác giảm nghèo bền vững ở xã Đray Sáp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ông Hòa Quang Trịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đray Sáp cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, địa phương đã triển khai hỗ trợ các hộ nghèo về cây, con giống, xây dựng nhà ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề và các chính sách y tế, giáo dục… Trong đó, hiệu quả rõ rệt nhất là ở Chương trình hỗ trợ bò sinh sản, xây dựng nhà ở và đào tạo nghề trồng nấm, nghề xây dựng cho hộ nghèo.

Đường nội buôn Kala (xã Đray Sáp) được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình hỗ trợ giảm nghèo.
Đường nội buôn Kala (xã Đray Sáp) được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình hỗ trợ giảm nghèo.

Đơn cử như trường hợp của hộ anh Y Chinh Bkrông (buôn Kala), năm 2016, sau khi được hỗ trợ học nghề trồng nấm miễn phí, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại trồng nấm sò với tổng diện tích 80 m2, quy mô 4.300 bịch. Áp dụng những kiến thức được học cùng sự chăm chỉ, cần cù, trung bình mỗi năm anh thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt thu lãi 10 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Không dừng lại ở đó, anh Y Chinh đang tiếp tục mở rộng thêm diện tích để trồng nấm rơm. Hay như với gia đình anh Y Hai Adrơng (buôn Kala), cuộc sống gia đình quá khó khăn nên bấy lâu nay cả gia đình anh đều ở nhờ trong căn nhà tạm bợ của người quen. Mãi đến đầu năm 2018, với số tiền được hỗ trợ của chính quyền địa phương và nguồn vốn vay từ Chương trình 167, gia đình anh đã xây dựng được căn nhà kiên cố, vững chãi để ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất để lo cho các con ăn học.

Ở xã Ea Bông, từ các chương trình hỗ trợ, trong những năm qua, một số hộ đã vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Chẳng hạn như hộ anh Y Vang Niê (buôn Dhăm) đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo sau một thời gian được hỗ trợ bò sinh sản, cây, con giống, cùng với nguồn vốn vay theo Chương trình 167. Hiện gia đình anh đã xây dựng được căn nhà kiên cố và 3 đứa con có điều kiện học hành hơn. Hiện địa phương đang triển khai nhân rộng mô hình giảm nghèo tại một số thôn, buôn trên địa bàn xã với 19 hộ được hỗ trợ bò và cây giống; tổng kinh phí thực hiện gần 340 triệu đồng. Được biết, xã Ea Bông hiện còn 571 hộ nghèo (chiếm gần 18,6%), trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 424 hộ.

Nhiều chương trình chưa phát huy hiệu quả

Theo ông Nguyễn An Tòng, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, dù công tác hỗ trợ giảm nghèo đã được các cấp, ngành và địa phương quan tâm thực hiện, đề ra nhiều giải pháp, song hiệu quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Nguyên nhân ngoài việc do một bộ phận người dân chưa thực sự có ý thức phấn đấu tự vươn lên để thoát nghèo, nhiều hộ còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng thì còn do nhiều chương trình hỗ trợ giảm nghèo dàn trải, nhỏ giọt, không thiết thực với nhu cầu cần được hỗ trợ của các hộ dân.

Có thể thấy điều này qua thực tế từ Chương trình 102 về việc cấp giống cây trồng, vật nuôi, muối Iốt và tiền mặt cho hộ nghèo trên địa bàn các xã. Cụ thể, ở xã Ea Bông, trung bình mỗi năm, chương trình hỗ trợ cho các hộ nghèo trên địa bàn khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, hầu hết cây, con giống cấp cho các hộ đều không phát huy hiệu quả, đa số giống đưa về không phát triển tốt hoặc bị chết nên người dân không mấy mặn mà. Hay như thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do nguồn vốn Trung ương hỗ trợ chưa đưa về nên việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề vẫn mãi chưa thực hiện được… Bên cạnh đó, một thực trạng đang diễn ra hiện nay là sau mỗi chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo ở các địa phương kết thúc, khi cán bộ dự án rời thôn, buôn thì dường như có rất nhiều hộ dân  không tiếp tục thực hiện mô hình, cách làm đó mà quay lại với phương thức trồng trọt và chăn nuôi lạc hậu xưa cũ.

Cán bộ xã Dray Sáp (bên phải) thăm hỏi và động viên gia đình anh Y Hai Adrơng.
Cán bộ xã Dray Sáp (bên phải) thăm hỏi và động viên gia đình anh Y Hai Adrơng.

Thiết nghĩ, để công tác hỗ trợ giảm nghèo bền vững, mang lại hiệu quả thiết thực thì trước khi trao “cần câu” cho người dân phải thay đổi nhận thức, trang bị kiến thức; đồng thời phải tạo sự ràng buộc giữa bên nhận và bên cho để tránh tình trạng “cho không”, khiến nhiều hộ trông chờ, ỷ lại, không chịu làm ăn… Bởi, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, của các cấp chính quyền địa phương mới chỉ là yếu tố "cần", điều quan trọng nhất chính là sự tự lực, tự cường vươn lên của mỗi hộ dân - đó mới là yếu tố mang tính quyết định.

Huyện Krông Ana hiện còn 2.657 hộ nghèo (chiếm 13,35% hộ dân) và 2.725 hộ cận nghèo (chiếm 13,69% hộ dân). Năm 2018, toàn huyện phấn đấu giảm hộ nghèo trên 3%; trong đó tỷ lệ giảm hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số 4%.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.