Multimedia Đọc Báo in

Hội Nông dân huyện Krông Năng: "Bà đỡ" đắc lực cho phong trào sản xuất kinh doanh giỏi

08:14, 19/09/2018

Nhiều năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi  trên địa bàn huyện Krông Năng luôn được các cấp Hội Nông dân phát triển sâu rộng cả về chất và lượng,  tạo được sự liên kết giữa các hộ nông dân trong phát triển kinh tế tập thể.

Giúp hội viên phát triển kinh tế

Mấy năm trở lại đây, những hội viên nông dân trồng cây ăn trái ở huyện Krông Năng đã có một “sân chơi” bổ ích để chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm, kiến thức về cây trồng, đó là các chi hội nghề nghiệp, trong đó có Chi hội cây ăn trái xã Tam Giang.

Chi hội được thành lập vào tháng 10-2016, với 50 hội viên, diện tích sản xuất là 50 ha, trồng các loại cây ăn trái, chủ yếu là sầu riêng và bơ. Anh Phan Gia Phương, thành viên của Chi hội cho biết, trước đây 1,2 ha đất của gia đình chỉ trồng cà phê, hiệu quả kinh tế còn hạn chế. Sau khi tìm hiểu nhiều nơi, anh nhận thấy cây sầu riêng và bơ booth đang giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú. Do đó, để đón lấy cơ hội này, năm 2011, anh đã mạnh dạn chặt bỏ bớt cà phê, trồng xen một số cây sầu riêng. Sau một thời gian thấy hiệu quả kinh tế của cây sầu riêng cao hơn gấp nhiều lần so với cây cà phê nên anh quyết định phá vườn cà phê để trồng sầu riêng và bơ. Hiện trong vườn của anh có 194 cây sầu riêng Monthoong, đã trồng được từ 6-8 năm, trong đó có 140 cây đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 12-15 tấn, với giá thị trường 60.000 đồng/kg, ước tính gia đình thu về gần 1 tỷ đồng.  

Cán bộ khuyến nông huyện (bìa phải) đang hướng dẫn hội viên nông dân về kỹ thuật chăm sóc bơ booth.
Cán bộ khuyến nông huyện (bìa phải) đang hướng dẫn hội viên nông dân về kỹ thuật chăm sóc bơ booth.

Các thành viên của Chi hội chia sẻ, trước đây sản xuất đơn lẻ gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất thì chưa theo một quy trình kỹ thuật nào, ai chỉ sao làm vậy; sản phẩm lại bị thương lái ép giá. Sau khi tham gia vào Chi hội cây ăn trái thì nông dân ở đây như được “khơi thông” các vướng mắc, đồng thời nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền, của tổ chức Hội Nông dân các cấp. Theo đó, các thành viên được tham gia rất nhiều lớp tập huấn bổ ích về những kiến thức kinh tế tập thể, quy trình trồng, chăm sóc cây ăn trái theo hướng VietGAP để nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, Chi hội còn chủ động tổ chức các buổi tham quan, học hỏi các mô hình trồng cây ăn trái trong và ngoài tỉnh; kết hợp với các tổ chức, doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng cây ăn trái để thăm mô hình và truyền đạt kinh nghiệm, tư vấn kỹ thuật cho hội viên. Chẳng hạn, Chi hội đã kết hợp với Công ty TOBA tổ chức 4 buổi sinh hoạt Chi hội và chia sẻ kinh nghiệm chuyên đề trồng và chăm sóc cây sầu riêng, bơ với hơn 200 lượt hội viên tham dự; phối hợp mời các kỹ thuật viên chuyên về cây sầu riêng tổ chức 10 đợt thăm vườn, tư vấn kỹ thuật chăm sóc sầu riêng tại vườn cho 150 lượt  hội viên.

 Sát cánh cùng nông dân

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Năng Y Sol Mlô, để phong trào thi đua SXKD giỏi trở thành chỗ dựa vững chắc cho nông dân, những năm qua, Hội đã luôn sát cánh cùng nông dân tích cực vận động, hướng dẫn hội viên phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, đồng thời nâng cao hiệu quả SXKD. Hằng năm có từ 12.100 hội viên nông dân đăng ký thi đua SXKD giỏi các cấp, đạt trên 72% so với tổng số hội viên. Trong đó, có từ 8.200-8.400 hộ hội viên đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, chiếm 67,77% số hộ đăng ký.

Hội nông dân tỉnh thăm vườn sầu riêng của hội viên Chi hội cây trái Tam Giang (huyện Krông Năng).
Hội nông dân tỉnh thăm vườn sầu riêng của hội viên Chi hội cây trái Tam Giang (huyện Krông Năng).

Đáng chú ý là các cấp hội đã chủ động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp để giúp nông dân giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa nghèo bền vững bằng những giải pháp thiết thực. Trong 5 năm đã hỗ trợ 190 con giống các loại và 3.286 cây giống; phối hợp tổ chức 60 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 3.000 lượt hội viên, nông dân về phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... Đến nay có 100% cơ sở Hội tổ chức các dịch vụ cung ứng, hỗ trợ kỹ thuật, vốn cho nông dân, trong đó có 20% cơ sở HTX tổ chức dịch vụ tiêu thụ sản phẩm của nông dân.

Bên cạnh đó, Hội luôn chú trọng công tác tạo vốn để phát triển SXKD, cụ thể Hội đã vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân được gần 330 triệu đồng, cùng với nguồn ngân sách Nhà nước bổ sung 500 triệu đồng. Đến nay, tổng nguồn Quỹ có trên 828 triệu đồng cho 70 hộ vay, số vốn tăng trưởng hằng năm bình quân đạt 200 triệu đồng, vượt 114% kế hoạch đề ra. Mặt khác, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện làm thủ tục cho 4.219 hộ nông dân vay trên 94 tỷ đồng để đầu tư vào sản xuất, học nghề, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh nông thôn.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.