Multimedia Đọc Báo in

M'Đrắk hạn giữa mùa mưa

08:37, 06/09/2018

Mặc dù Đắk Lắk đang ở cao điểm mùa mưa nhưng nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn huyện M’Đrắk lại đang rơi vào tình trạng “trơ đáy”, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, thậm chí nhiều diện tích cây trồng đã bị khô hạn, có nguy cơ mất trắng.

Nhiều diện tích cây trồng có nguy cơ mất trắng

Chỉ cho chúng tôi xem 1,5 sào lúa đang dần khô héo, bà Trịnh Thị Liên ở thôn 1, xã Cư Króa than thở: “Mấy năm trước hồ thủy lợi cũng cạn nước nhưng chưa năm nào thê thảm như năm nay. Cây lúa đang phát triển tốt, đã cao đến đầu gối nhưng vì hồ đập không còn nước tưới nên lúa cháy khô. Người dân ai cũng xót xa vì mùa này lại trắng tay do hạn”. Không chỉ tại thôn 1 mà khoảng 25 ha lúa của người dân ở các thôn 2, 3, 5 trên địa bàn xã Cư Króa cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Tình trạng nắng nóng kéo dài trên diện rộng, nhiều xã trên địa bàn huyện chưa có công trình thủy lợi, hoặc nếu có cũng không còn khả năng tích nước đã khiến cho nhiều diện tích cây trồng có nguy cơ mất trắng. Chẳng hạn như tại cánh đồng Ea Tung Xây (xã Cư M’ta) có hơn 17 ha lúa cũng đã bị cháy vàng. Mặc dù UBND huyện đã hỗ trợ cho địa phương máy bơm, kinh phí mua nhiên liệu, bố trí người trực cấp nước vào hệ thống kênh mương nhưng do hạn hán kéo dài, các công trình thủy lợi cạn nước nên không thể cứu vãn được diện tích lúa của người dân đã gieo trồng.

Huyện M’Đrắk tăng cường máy bơm công suất lớn tại công trình thủy lợi Ea Má (xã Cư M’ta) để hỗ trợ  người dân chống hạn.
Huyện M’Đrắk tăng cường máy bơm công suất lớn tại công trình thủy lợi Ea Má (xã Cư M’ta) để hỗ trợ người dân chống hạn.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện M’Đrắk, vụ hè thu năm 2018 toàn huyện gieo trồng trên 24.540 ha cây trồng các loại (đạt 100,75% kế hoạch), trong đó cây hằng năm trên 19.500 ha. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 7/13 xã, thị trấn có cây trồng bị hạn với tổng diện tích 1.094,4 ha. Trong đó, lúa nước  486,1  ha, ngô 555,8 ha, sắn 45,4 ha, đậu 7,1 ha. 

Nhiều công trình thủy lợi trơ đáy

Công trình thủy lợi Cư Króa 1, xã Cư Króa có dung tích thiết kế 50.000 m3 nước, bảo đảm tưới cho khoảng 25 ha lúa của các thôn: 1, 2, 3, 5 trên địa bàn xã. Tuy nhiên hiện nay công trình này đã cạn trơ đáy, lòng hồ chỉ còn một vũng nước nhỏ, đất xung quanh đã khô, bong tróc. Chiếc máy bơm nước tưới công suất lớn nằm bất động từ lâu. Xã Cư Króa có 4 công trình thủy lợi thì 3 công trình đã rơi vào tình trạng tương tự.

Hay như công trình thủy lợi Ea Má ở xã Cư M’ta có dung tích thiết kế khoảng 120.000 m3. Những năm trước, vào thời điểm này, công trình vẫn bảo đảm nước tưới cho 40 ha lúa nhưng năm nay mực nước đã cạn sâu, nhiều chỗ trơ đáy, trẻ em, trâu bò đều có thể đi lại được.

Công trình thủy lợi Cư Króa 1 (xã Cư Króa) đã cạn trơ đáy.
Công trình thủy lợi Cư Króa 1 (xã Cư Króa) đã cạn trơ đáy.
 
“Nếu tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài chừng nửa tháng nữa sẽ có thêm nhiều công trình bị trơ đáy. Trước tình hình đó, huyện đã triển khai các phương án phòng, chống hạn, bố trí 18 máy bơm sẵn có và mua thêm 5 máy bơm để tập trung cho công tác chống hạn; điều tiết nước hợp lý giữa các công trình; tổ chức ra quân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; hỗ trợ kinh phí mua dầu bơm chống hạn…”.
 
 Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện M’Đrắk

Không chỉ có những công trình kể trên mà nhiều hồ chứa, đập dâng trên địa bàn huyện M’Đrắk hầu như đã bị khô cạn, mực nước xuống thấp, không bảo đảm nước tưới phục vụ sản xuất. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện M’Đrắk, toàn huyện hiện có 63 công trình thủy lợi, gồm 50 hồ chứa, 13 đập dâng. Trong đó 11 công trình dung tích lớn có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão và không còn sử dụng được vì đã bị hư hỏng, bồi lắng hoặc bị một số hộ dân san lấp, lấn chiếm làm ruộng, trồng cà phê.

Theo ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, nguyên nhân của tình trạng trên là do hầu hết các công trình đã được xây dựng từ lâu, sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng, khả năng tích nước kém do lòng hồ đã bị bồi lắng. Thêm vào đó, từ cuối tháng 6-2018 đến nay, huyện M’Đrắk không có mưa, nắng nóng kéo dài, mực nước của nhiều công trình hồ đập đã xuống ngưỡng dưới cống, không còn khả năng tự chảy. Chẳng hạn như các công trình: Cư Króa, Ea Mróh, Ea Ktung, Ea Kpal, Ea Bôi, Ea Rê, Krông Jing, Ea Má, Ea Tung Xây; các đập dâng: buôn Ắk, buôn Leng, buôn Phao, Ea Ksung (xã Cư M’ta), đập Trai Bâu, đập Ea Boa (xã Ea Trang). Nhiều công trình như Cư Króa 1, Ea Kpal đã cạn tới đáy không còn nước để bơm.

Ông Nguyễn Thế Thập cũng cho biết, huyện M’Đrắk đã đề nghị UBND tỉnh xem xét đầu tư kinh phí tu sửa các công trình thủy lợi xuống cấp, hư hỏng, xử lý cấp bách hố xói, hiện tượng thấm nước qua chân bờ đập. Về lâu dài, huyện mong muốn các sở, ban ngành tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện xã hội hóa nạo vét lòng hồ các công trình thủy lợi bị bồi lắng nhằm tăng khả năng tích trữ nước phục vụ sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.