Multimedia Đọc Báo in

Những tín hiệu vui trong giảm nghèo bền vững tại M'Đrắk

08:07, 08/09/2018

Bên cạnh chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo được triển khai thực hiện nhiều năm qua, Huyện ủy, UBND huyện M'Đrắk đã tích cực chỉ đạo, triển khai lồng ghép các chương trình, dự án, tạo nên nguồn lực tổng hợp trong công tác giảm nghèo ở địa phương.

Chủ động tìm hướng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

Cư Króa là một xã thuần nông, kinh tế chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt. Từ năm 2005 trở về trước, đời sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn bởi thu nhập chủ yếu dựa vào cây lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo kiểu truyền thống nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên. Tại thời điểm đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã chỉ đạt vài triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 70% dân số.

Lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện M'Đrắk (trái) kiểm tra mô hình trồng cây ăn quả thuộc Dự án  sản xuất công nghệ cao tại xã Ea Pil.
Lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện M'Đrắk (trái) kiểm tra mô hình trồng cây ăn quả thuộc Dự án sản xuất công nghệ cao tại xã Ea Pil.

Thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sát với tình hình thực tế tại địa phương, xã Cư Króa xác định trồng rừng keo nguyên liệu và kết hợp chăn nuôi bò bán công nghiệp là hướng phát triển kinh tế bền vững. Keo là loại cây dễ sống, chủ yếu phát triển nhờ tự nhiên, ít tốn công chăm sóc. Với chi phí đầu tư từ 10 - 15 triệu đồng/ha keo lai, sau một chu kỳ sinh trưởng 4 - 5 năm sẽ cho thu hoạch khoảng 150 tấn gỗ nguyên liệu/ha; với giá bán hiện nay khoảng 900.000 đồng/tấn thì người trồng lãi khoảng 100 triệu đồng/ha. Hiện nay, toàn xã Cư Króa có trên 90% hộ dân tham gia trồng keo, với diện tích trên 1.000 ha, trong đó hộ trồng ít khoảng 1 ha, hộ trồng nhiều từ 70 - 80 ha. Từ phát triển kinh tế rừng, đời sống của người dân nơi đây đã được nâng lên rõ rệt; xã Cư Króa hiện có 25 - 30% số hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, 55 - 60% số hộ có nhà xây kiên cố; trên 90% số hộ có phương tiện nghe nhìn và xe máy phục vụ sinh hoạt. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017, đạt trên 19,8 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 47% theo tiêu chí mới.

Xã Ea Pil được xem là vùng đất bạc màu bởi thổ nhưỡng kém màu mỡ, nghèo dinh dưỡng, tầng đất canh tác mỏng nên kén chọn cây trồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều mô hình trồng cây ăn quả ở Ea Pil đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và nông dân nơi đây đã chọn cây ăn quả là hướng làm giàu trên vùng đất khó này.

Tính đến nay, toàn xã Ea Pil đã trồng được trên 315 ha cây ăn quả tại 14/14 thôn; trong đó có 170 ha nhãn, 53 ha vải, 71 ha điều, 21 ha bơ... Thực tế cho thấy, các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Ea Pil, sản lượng cao, chất lượng thơm ngon, năng suất ổn định. Bên cạnh đó, do điều kiện khí hậu vùng Tây Nguyên, có lợi thế về thời điểm thu hoạch nên các loại cây ăn quả như: vải, nhãn... được thương lái tiêu thụ nhanh chóng. Bên cạnh đó, qua nhiều năm thử nghiệm, người dân đã áp dụng kỹ thuật cho ra quả trái vụ nên giá thành cao hơn, mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân. Những mùa quả ngọt trên mảnh đất bạc màu Ea Pil đang giúp nhiều nông hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, giúp Ea Pil từng bước “chuyển mình” trở thành một vùng đất trù phú, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 28,9% theo tiêu chí mới.

Có thể nói, các địa phương trên địa bàn huyện M’Đrắk đã đổi mới trong nếp nghĩ, cách làm; linh hoạt, chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để cải thiện cuộc sống, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lồng ghép nhiều chương trình giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện M’Đrắk còn tập trung thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc hộ nghèo để giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hộ nghèo đã tự chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi cơ cấu lao động, chủ động sản xuất kinh doanh để vươn lên thoát nghèo. Trong 2 năm (2016-2017), toàn huyện đã có 223 lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách được đào tạo nghề, với kinh phí đào tạo 1,2 tỷ đồng.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 51,6% (năm 2016) xuống còn 41% cuối năm 2017 (giảm 10,59%); cận nghèo giảm từ 18,7% xuống còn 14,4% (giảm 4,3%).

Cùng với đó, hoạt động cho vay vốn đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách, sản xuất vùng khó khăn trên địa bàn huyện đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các đoàn thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn, tín dụng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Các ban ngành, đoàn thể còn gắn việc vay vốn, tín dụng với hướng dẫn cách sản xuất, khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ. Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng toàn huyện trên 307 tỷ đồng, cho trên 10.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn. Ngoài ra, các hình thức bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng được bảo đảm như hỗ trợ về nhà ở, y tế, về giáo dục đào tạo, trợ giúp pháp lý… Hiện tại 100% hộ nghèo, cận nghèo, người sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện có hàng trăm hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở bằng nguồn Quỹ Vì người nghèo và các nguồn khác...

Mùa vải trĩu quả tại xã Ea Pil.
Mùa vải trĩu quả tại xã Ea Pil.

Từ năm 2018, M'Đrắk là một trong những địa phương nằm trong danh sách các huyện nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020, mở ra hướng giảm nghèo bền vững dựa vào nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ, đặc thù cho huyện nghèo. Từ nguồn hỗ trợ đặc thù cho huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, M'Đrắk đang tích cực xây dựng khung đề án giảm nghèo bền vững, tập trung vào các thế mạnh của địa phương để thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ. Theo đó, huyện sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng (đường giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và các công trình phục vụ nhu cầu văn hóa); hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn; nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ...; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài. Tổng nguồn vốn thực hiện đề án trên 106,4 tỷ đồng.

Mỹ Sự

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.