Multimedia Đọc Báo in

Nông dân huyện Lắk thi đua sản xuất giỏi

08:39, 06/09/2018

Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Lắk có nhiều nông dân vượt khó vươn lên phát triển kinh tế và trở thành gương điển hình trong sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương.

Gia đình ông Y Plu Êung (buôn Lê, thị trấn Liên Sơn) là một trong những hộ nghèo nhất thị trấn, kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào 2 sào ruộng. Hai vợ chồng ông phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi, nhưng vẫn không khá lên. Năm 2011 - 2013, ông Plu may mắn được Hội Nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 70 triệu đồng để phát triển kinh tế. Ông trích hơn 20 triệu đồng ra mua 2,5 sào đất ruộng, phần còn lại mua 3,5 sào rẫy trồng cà phê. Cùng với đó, ông tham gia các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây cà phê tại địa phương để về thực hiện trên vườn cây của gia đình. Sau 3 năm, cà phê bắt đầu cho thu hoạch, ông trả hết nợ. Kinh tế bắt đầu ổn định, ông tích cóp mua thêm ruộng, rẫy và bò giống. Đến nay, ông có 1 ha ruộng, 1 ha cà phê, 20 con bò đem lại thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm.. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, gia đình ông mở thêm dịch vụ homestay, tham gia đánh chiêng phục vụ du lịch tại buôn để vừa có thêm thu nhập, vừa phát triển du lịch, gìn giữ văn hóa M’nông tại địa phương.

Ông  Y Plu Êung  trong vườn cà phê  của gia đình.
Ông Y Plu Êung trong vườn cà phê của gia đình.

Tương tự, hộ ông Trần Đình Phi (thôn Yên Thành 2, xã Đắk Nuê) cùng gia đình vào Đắk Lắk lập nghiệp từ năm 1985. Nhận thấy, nếu chỉ dựa vào mấy sào lúa, khoai thì kinh tế không khá lên được nên năm 2008, ông Phi mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi vịt. Lúc đầu tổng đàn có 700 con vịt nuôi chạy đồng. Tuy nhiên nuôi vịt chạy đồng tốn nhiều thời gian lại không chủ động được nguồn thức ăn, không kiểm soát được dịch bệnh nên ông Phi quyết định xây dựng trang trại với diện tích 300 m2, tăng tổng đàn lên 1.200 con để phát triển chăn nuôi vịt đẻ trứng nuôi nhốt. Nhằm rút ngắn thời gian chăn nuôi, ông Phi tìm mua vịt hậu bị từ các cơ sở có uy tín trên địa bàn. Từ đó, gia đình ông không cần phải bỏ quá nhiều công sức mà lại chủ động được nguồn thức ăn trong chăn nuôi. Hiện nay, trung bình mỗi ngày trang trại của gia đình ông thu về 900 – 1.200 trứng, được thương lái tìm đến thu mua với giá ổn định từ 2.000 – 2.600 đồng/trứng, sau khi trừ chi phí gia đình ông có thêm nguồn thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng. Song song với đó, gia đình ông còn tích cóp vốn liếng đầu tư mua thêm đất rẫy để trồng cà phê, máy móc, trang thiết bị phục vụ phát triển sản xuất. Đến nay, gia đình ông đã có hơn 2 ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh, mỗi năm thu về khoảng 7 – 8 tấn cà phê nhân. Với nguồn thu nhập từ cà phê, chăn nuôi vịt đẻ trứng… mỗi năm gia đình ông thu về hơn 500 triệu đồng, trở thành hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi của huyện nhiều năm liền.             

Mô hình chăn nuôi vịt đẻ trứng của gia đình ông Trần Đình Phi.
Mô hình chăn nuôi vịt đẻ trứng của gia đình ông Trần Đình Phi.

Ông Y Plu Êung, Trần Đình Phi là hai trong những gương nông dân vượt khó vươn lên phát triển kinh tế tiêu biểu trên địa bàn huyện Lắk, góp phần tạo động lực cho các hội viên khác nỗ lực lao động sản xuất, khai thác tiềm năng tại địa phương để giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ngay tại quê hương.

Hội Nông dân huyện Lắk hiện có hơn 8.300 hội viên, trong đó có 2.959 hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (với 2.524 hội viên đạt hội viên sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở, 345 hội viên cấp huyện, 81 hội viên cấp tỉnh, 9 hội viên cấp trung ương). Các cấp Hội đã vận động các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tạo việc làm tại chỗ cho hơn 2.000 lao động; giúp đỡ vốn, cây, con giống và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 486 lượt hộ nông dân; giúp 130 hộ nông dân thoát nghèo.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.