Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò của hợp tác xã trong sản xuất lúa nước

07:52, 14/09/2018

Từ những mảnh ruộng manh mún, nhỏ lẻ, nguồn nước bấp bênh, nhờ có hoạt động của hợp tác xã, cả một vùng trồng lúa nước diện tích 400 ha của xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) đã trở thành một vùng sản xuất ổn định, năng suất cao, bước đầu hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ chặt chẽ.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (HTX) được thành lập vào năm 2010. Sau thời gian củng cố, kiện toàn, năm 2012 HTX bắt đầu chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã mới với vốn điều lệ hơn 300 triệu đồng. Khi ấy, phần diện tích 400 ha canh tác lúa nước do HTX quản lý chỉ là những mảnh ruộng manh mún, thiếu nước tưới do hệ thống trạm bơm không hoạt động.

Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, HTX đã di dời máy móc, dựng trạm bơm dã chiến ngay tại bờ sông Krông Nô, cách trạm bơm cũ khoảng 70 m để bơm nước vào hệ thống thủy lợi của cánh đồng, kịp thời phục vụ sản xuất trong vụ đông xuân 2012 - 2013. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của HTX cũng tích cực vận động bà con khai hoang phần diện tích lau sậy, phá bỏ bờ của từng mảnh ruộng nhỏ lẻ để gộp thành những mảnh ruộng lớn, diện tích từ 1 ha trở lên và san bằng phẳng toàn bộ mặt ruộng. Nhờ đó, diện tích canh tác tăng lên đáng kể, giảm nơi trú ngụ của chuột và các sinh vật gây hại cho lúa. Việc lấy nước, làm đất, chăm sóc, thu hoạch cũng thuận tiện hơn rất nhiều.

Một trong hai trạm bơm  cung cấp nước cho cánh đồng do HTX  Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh  xây dựng, quản lý.
Một trong hai trạm bơm cung cấp nước cho cánh đồng do HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh xây dựng, quản lý.

Giữa năm 2015, HTX đã mạnh dạn đăng ký liên kết sản xuất 30 ha lúa giống với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương. Để tạo niềm tin cho các hộ nông dân, HĐQT của HTX vừa phổ biến, thuyết phục nông dân, vừa huy động vốn thuê 5 ha đất cùng làm với bà con trong vụ đông xuân 2015 - 2016.

Sau khi nhận giống từ công ty, các thành viên HĐQT của HTX thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, động viên các hộ tham gia liên kết tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng dẫn kỹ thuật từ công ty để đảm bảo sản xuất được những hạt lúa đạt chuẩn, sạch bệnh, không lẫn lúa ma hoặc các loại lúa khác với giống được cấp. Nhờ vậy, ngay từ vụ liên kết sản xuất đầu tiên, toàn bộ sản lượng lúa của 30 ha thí điểm đã được công ty thu mua với giá cao hơn 13% so với giá thị trường, trong đó, nông dân hưởng lợi trực tiếp 10%, HTX nhận được 3% trên giá thành tổng sản lượng lúa đạt chuẩn. Ước tính, mỗi héc ta, nông dân đã có thu nhập tăng thêm khoảng 10 triệu đồng so với sản xuất lúa thông thường.

Thấy được hiệu quả, nhiều nông dân đã mạnh dạn đăng ký mở rộng diện tích liên kết. Đến vụ đông xuân 2017 - 2018, tổng diện tích sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao cho Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương của HTX đã tăng lên 120 ha, sản lượng khoảng 1.000 tấn.

Anh Lại Bá Tại (thôn 6, xã Bình Hòa) cho biết, gia đình anh có 5 ha đất canh tác lúa nước cách sông Krông Nô 1 km. Khi chưa có nguồn nước tưới do HTX cung cấp, anh phải tự trang bị 2 máy bơm sử dụng động cơ diesel, một máy bơm nước từ sông vào hệ thống mương dẫn, một máy hút nước từ mương dẫn đưa vào ruộng. Lúa giống mua trôi nổi trên thị trường, chất lượng không ổn định. Lúa bán ra sau khi thu hoạch cũng phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên tình trạng ép giá, nợ tiền lúa kéo dài thường xảy ra. Từ khi canh tác theo lịch cấp nước của HTX, gia đình anh đã tiết kiệm được một nửa chi phí bơm nước vào ruộng. Không những vậy, gia đình anh cũng là một trong những hộ tiên phong tham gia sản xuất lúa giống do HTX triển khai. Sau 1 năm liên kết sản xuất, anh đã mạnh dạn thuê thêm 5 ha để mở rộng diện tích canh tác, tăng thu nhập cho gia đình.

Chủ tịch HĐQT, kiêm giám đốc HTX Nhật Minh Nguyễn Văn Tưởng kiểm tra lúa lẫn trên diện tích liên kết
Chủ tịch HĐQT, kiêm giám đốc HTX Nhật Minh Nguyễn Văn Tưởng kiểm tra lúa lẫn trên diện tích liên kết.

Theo Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX Nhật Minh Nguyễn Văn Tưởng, điều phấn khởi nhất không chỉ là tăng thêm thu nhập cho nông dân mà còn hướng họ đến những mô hình sản xuất an toàn, bền vững. Đa số nông dân tại HTX đều tuân thủ tốt lịch canh tác, từ khâu xuống giống, xịt thuốc, bón phân... đều được thực hiện một cách đồng bộ, khoa học. Nhờ vậy, tình trạng lây nhiễm chéo các loại sâu bệnh giảm đáng kể, năng suất lúa cũng bảo đảm hơn với mức bình quân đạt 8–9 tấn/ha. HTX cũng đã xây dựng được uy tín của mình đối với các nông hộ thông qua việc ưu tiên giải quyết các vấn đề phát sinh trong sản xuất, chủ động đối phó với thiên tai và thời tiết bất lợi. Đến nay, HTX đã có số vốn điều lệ hơn 1,2 tỷ đồng, xây dựng được 2 trạm bơm, trang bị 1 máy làm đất, hợp đồng ổn định với 2 máy gặt liên hợp để phục vụ nhu cầu sản xuất của toàn bộ diện tích canh tác.

Với những nỗ lực trên, tháng 8-2018, HTX Nhật Minh đã được UBND tỉnh lựa chọn hỗ trợ dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018–2020. Đây là nguồn lực quan trọng để HTX tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất lúa, gạo theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến việc đầu tư nhà máy xay xát để sản xuất gạo thương phẩm phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.

Bảo Bình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.