Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Nâng cao hiệu quả sản xuất từ mô hình khuyến nông

07:49, 18/09/2018

Qua triển khai thực hiện các mô hình, dự án khuyến nông, nhiều mô hình đã được các hộ dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột tiếp cận, áp dụng vào thực tiễn trong chăn nuôi, trồng trọt, mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, năm 2017, Trạm Khuyến nông thành phố đã triển khai thực hiện hỗ trợ một số hộ dân ở các xã, phường thực hiện những mô hình như: tái canh cà phê, nuôi dê, trồng nấm, thụ tinh nhân tạo cho bò và chăn nuôi trên đệm lót sinh học…

Trong đó, mô hình nuôi dê sinh sản đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Đơn cử như hộ chị H’Ngoan Êban (xã Cư Êbur), giữa năm 2017, sau khi được hỗ trợ 15 triệu đồng (sau 1 năm nuôi thu hồi 50% vốn hỗ trợ), gia đình đã đầu tư mua 4 con dê giống đang mang bầu. Sau 4 tháng nuôi, đàn dê đã sinh sản được thêm 4 con. Với gia đình chị, ngoài việc làm thuê cuốc mướn không ổn định của người chồng và 2 sào đất trồng cà phê thì đàn dê là tài sản lớn, là nguồn thu nhập thêm của gia đình để trang trải cuộc sống, nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học. Hiện đàn dê của chị đang tiếp tục sinh sản.

Hay như với chị Phạm Thị Thúy (xã Hòa Khánh), từ nhiều năm nay, cuộc sống của cả gia đình chị chỉ trông chờ vào mảnh đất vườn nhỏ trồng rau và đồng lương công nhân ít ỏi của chồng. Do đó, khi được hỗ trợ nuôi dê sinh sản, chị đã vay mượn thêm để xây dựng chuồng trại nuôi 9 con dê. Sự hỗ trợ này không chỉ tạo điều kiện giúp chị phát triển kinh tế mà còn là nguồn động viên tinh thần để chị cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Chị H’Ngoan (bên phải) trao đổi kỹ thuật chăn nuôi dê với người dân trong thôn.
Chị H’Ngoan (bên phải) trao đổi kỹ thuật chăn nuôi dê với người dân trong thôn.

Một trong những mô hình cũng được triển khai thực hiện hiệu quả thời gian qua và đang được nhân rộng trong các hộ dân trên địa bàn thành phố nữa là việc tái canh cây cà phê. Đơn cử như hộ ông Phan Khoát (xã Hòa Thuận), cách đây 3 năm, sau khi đi thăm một vài mô hình điểm và dự những buổi tập huấn, ông đã quyết định thực hiện tái canh 1 ha cà phê của gia đình. Hiện nay, cà phê đang phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch. Theo ông Khoát, qua quá trình tìm hiểu từ thực tiễn và các phương tiện thông tin đại chúng, để cây cà phê phát triển tốt, khi thực hiện tái canh ông đặc biệt chú trọng đến việc xử lý đất, chọn giống, sử dụng phân hữu cơ để bón…

“Hiện nay, công tác khuyến nông của thành phố đang hướng đến việc tăng cường phát triển những mô hình khuyến nông đô thị ứng dụng công nghệ cao, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung với các loại hình tổ chức sản xuất quy mô lớn, hiện đại”.
 
Bà Vũ Thị Hưng, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột

Qua thực tế triển khai, các mô hình khuyến nông trên địa bàn thành phố không những đáp ứng được yêu cầu về mặt kinh tế mà còn góp phần thay đổi nhận thức của người dân về việc chọn con, cây giống phù hợp điều kiện thực tế hay ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để bảo vệ môi trường, kiểm soát dịch bệnh…

Bà Vũ Thị Hưng, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Để các mô hình phát huy hiệu quả, cùng với sự hỗ trợ về mặt kinh tế của Nhà nước, các cán bộ khuyến nông cũng đã tích cực theo dõi, bám sát địa bàn; hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất và chọn cây, con giống. Thời gian qua, đối tượng công tác khuyến nông thành phố hướng tới hỗ trợ thực hiện các mô hình là các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, qua đó để giúp họ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”. Bên cạnh việc xây dựng các mô hình, Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hội thảo để các hộ dân tiếp cận mô hình kinh tế phù hợp, phát huy lợi thế của gia đình, mở rộng diện tích sản xuất.

Vườn cà phê phát triển xanh tốt sau khi tái canh của gia đình ông Phan Khoát.
Vườn cà phê phát triển xanh tốt sau khi tái canh của gia đình ông Phan Khoát.

Có thể nói, việc triển khai các mô hình khuyến nông đã cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và gia tăng giá trị sản xuất cho người nông dân. Đồng thời tạo định hướng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp của thành phố theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và các xu thế phát triển của nền kinh tế.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.