Multimedia Đọc Báo in

Xin "bù giờ" cho các dự án điện mặt trời

07:26, 24/09/2018

Theo quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời (ĐMT) tại Việt Nam, các dự án đưa vào vận hành trước 30-6-2019 sẽ được mua điện với mức giá 9,35 Uscent/kWh. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư ĐMT trên địa bàn tỉnh đang lo lắng dự án sẽ trễ hẹn.

Trên địa bàn tỉnh có 32 dự án ĐMT đăng ký khảo sát, lập dự án và xin chủ trương đầu tư, nhưng hiện mới có 5 dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, với tổng công suất 210 MWp.

Cụ thể dự án nhà máy ĐMT Sêrêpôk 1 và ĐMT Quang Minh, chủ đầu tư đã thực hiện các thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường đối với nhà máy, phòng cháy chữa cháy, văn bản xác nhận mua bán điện, thỏa thuận đấu nối và đã lựa chọn nhà thầu xây dựng, đơn vị cung cấp thiết bị và đang tiến hành giao nhận đất để xây dựng nhà máy và dự kiến sẽ đưa vào vận hành trước 30-6-2019. 3 dự án khác gồm nhà máy ĐMT Long Thành 1, trang trại ĐMT Buôn Ma Thuột và ĐMT Jang Pông mới được đưa vào quy hoạch nên nhà đầu tư đang trình thẩm định thiết kế cơ sở và thực hiện các thủ tục đầu tư.

Hồ Krông Búk Hạ là một trong những địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy điện mặt trời.
Hồ Krông Búk Hạ là một trong những địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy điện mặt trời.
Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy ĐMT trên địa bàn tỉnh sẽ được hưởng các ưu đãi như: áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm đầu và miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo và miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian hoạt động của dự án.

Ngoài các dự án trên, hàng loạt dự án ĐMT trời khác đang chờ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và Quốc gia. Cụ thể, 4 dự án công suất trên 50 MWp trình Bộ Công thương thẩm định để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, với tổng công suất gần 1.900 MWp, nhưng mới có 2 dự án được Bộ Công thương thẩm định trình Thủ tướng và đang chờ xem xét, phê duyệt (dự án cụm nhà máy ĐMT Xuân Thiện và cụm nhà máy ĐMT Rừng Xanh); 2 dự án còn lại chưa được thẩm định (dự án AES và Long Thành). Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã trình Bộ Công thương xem xét, bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đối với 12 dự án công suất dưới 50 MWp, tổng công suất 478 MWp. Tuy nhiên, hiện mới có 5 dự án được Bộ Công thương thẩm định, chờ phê duyệt thông qua; 4 dự án đã lấy ý kiến các bộ, ngành nhưng chưa được thẩm định và 3 dự án Bộ Công thương chưa lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Vướng mắc trong thủ tục đã khiến các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các dự án ĐMT, những dự án chưa được đưa vào quy hoạch hầu như phải “dậm chân tại chỗ”.

Đơn cử như ngày 27-10-2017, Công ty Cổ phần Thủy điện Buôn Đôn được UBND tỉnh đồng ý chủ trương khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất thực hiện dự án xây dựng nhà máy ĐMT tại huyện Buôn Đôn với công suất gần 50 MWp, tổng vốn đầu tư 1.125 tỷ đồng. Ông Hoàng Đình Trọng, Phó Giám đốc Công ty cho biết, đến nay, dự án đã được UBND tỉnh trình Bộ Công thương xem xét, thẩm định bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh, nhưng chưa được phê duyệt. Do đó, đơn vị không thể triển khai các bước tiếp theo của dự án như: thẩm định thiết kế cơ sở, đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, thủ tục phòng cháy chữa cháy, xác nhận mua bán điện, thỏa thuận đấu nối vào lưới điện… “Nếu không sớm được đưa vào quy hoạch, dự án sẽ không thể hoàn thành trước thời điểm 30-6-2019”, ông Trọng lo lắng.

Theo các chủ đầu tư dự án ĐMT, thời gian từ khi hoàn thành các thủ tục, triển khai xây dựng nhà máy đến khi đưa vào hoạt động mất khoảng 10–12 tháng. Do đó, các dự án đã có chủ trương đầu tư, nhưng chưa được bổ sung vào quy hoạch và hoàn thiện các thủ tục liên quan như đã nói ở trên sẽ phải kéo dài tiến độ thực hiện đến sau tháng 6-2019, khi đó theo nhận định của các doanh nghiệp, giá ĐMT sẽ giảm xuống. Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, ngày 7-9-2018, UBND tỉnh đã có văn bản 7499/UBND-CN kiến nghị Trung ương tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Theo UBND tỉnh, mặc dù các doanh nghiệp đã khẩn trương triển khai đầu tư các dự án ĐMT, tuy nhiên trình tự thủ tục mất nhiều thời gian và chậm được giải quyết. Do đó, tỉnh kiến nghị Bộ Công thương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có cơ chế ưu tiên cho các nhà đầu tư được kéo dài hiệu lực về giá mua điện 9,35 Uscent/kWWh đến khi dự án đưa vào vận hành, phát điện nhằm giảm rủi ro của dự án.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.