Multimedia Đọc Báo in

"Lộc trời" từ tiêu trái vụ

09:11, 09/10/2018

Sáu tháng trước, người dân huyện Cư M’gar lo lắng khi tiêu bất ngờ ra hoa trong lúc đang thu hoạch. Nay nỗi lo ấy đã hóa thành niềm vui, bởi đợt hoa trái vụ ấy đậu quả, người dân giờ thu “lộc trời” đó, có thêm nguồn thu nhập.

Hơn một tháng nay, gia đình Ama Ser ngụ buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng ngày nào cũng dậy sớm chuẩn bị bao bạt, thang tre, đồ ăn thức uống để lên rẫy thu hoạch tiêu. Ama Ser cho biết: Những năm trước thời điểm này nhà ông chỉ vào rẫy phát dọn cây cỏ, tạo độ thông thoáng cho vườn tiêu chuẩn bị ra hoa. Nhưng năm nay thời tiết thay đổi, mùa mưa kéo dài dẫn đến hiện tượng tiêu ra hoa trái vụ vào tháng 3, tháng 4 (lúc vườn tiêu đang cho thu hoạch). Sự thay đổi bất thường này khiến gia đình ông lo lắng. Ông định trút bỏ hết hoa đi để vườn cây ra hoa lại theo đúng mùa vụ nhưng thấy tiêu ra hoa đồng loạt, nên không dám bỏ. Thời gian sau, hoa tiêu bắt đầu kết trái bình thường như mùa vụ, ông mới thở phào nhẹ nhõm. Bây giờ tiêu đã đóng chắc hạt, già chín nên ông tiến hành thu hái. Tuy nhiên, thu hoạch tiêu trái vụ trùng với thời điểm tiêu ra hoa chính rất dễ làm hoa tiêu rơi rụng, gãy chồi…. ảnh hưởng đến quá trình đậu trái, năng suất, chất lượng của hồ tiêu vụ sau. Để hạn chế tình trạng này, gia đình ông chủ động thu hoạch, chứ không kêu công hái đồng loạt như vụ chính.

Ama Ser (buôn Cuôr Đăng B, huyện Cư M’gar) phơi tiêu trái vụ.
Ama Ser (buôn Cuôr Đăng B, huyện Cư M’gar) phơi tiêu trái vụ.
Trên địa bàn xã Cuôr Đăng (Cư M’gar) hầu hết nhà nào cũng đang thu hoạch tiêu trái vụ. Dù vẫn biết, việc có thêm vụ tiêu “kép” ít nhiều ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, thậm chí có thể mất trắng ở vụ tiêu sau, nhưng với người nông dân ở đây do điều kiện kinh tế khó khăn, họ coi như “lộc trời” nên chỉ còn tìm cách thu hoạch cho cẩn thận để giảm bớt tác động đến quá trình ra hoa kết trái của vụ sau.

Nhà Amí Yoi ngụ cùng buôn Cuôr Đăng B cũng bất ngờ nhận “lộc trời” từ tiêu trái vụ. Nhà ít người, rẫy lại xa nên Ami Yoi phải thuê thêm công đẩy nhanh tiến độ hái. Bà luôn dặn dò nhân công nhẹ tay, hái cẩn thận, tránh tác động mạnh để giảm bớt hiện tượng rụng hoa. Từ khi trồng tiêu đến nay, đây là lần đầu vườn tiêu nhà Amí Yoi cho quả trái vụ đồng loạt nhiều như vậy. Những năm trước thu nhặt cả vườn chỉ được 5-10 ký, năm nay hái hết được khoảng 4 tạ, với giá bán hiện tại 50 nghìn đồng/kg tiêu nhân, Amí Yoi thu về gần 20 triệu đồng. “Tiêu trái vụ tự ra hoa, đậu quả, mình không tốn tiền bón phân, xịt thuốc nên không tốn kém gì. Cây cho bao nhiêu quả, mình hưởng bấy nhiêu. Trừ chi phí nhân công, mình lời hơn 15 triệu đồng, số tiền này cũng khá lớn để trang trải chi tiêu gia đình chứ hồ tiêu giá đang ở mức thấp không biết khi nào lên, trong khi mùa này gia đình rất cần tiền”, Amí Yoi chia sẻ.

Người dân xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar thu hoạch tiêu trái vụ.
Người dân xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar thu hoạch tiêu trái vụ.

Tương tự, gia đình Aduôn Thiêm (xã Cuôr Đăng) cũng tranh thủ ngày nắng huy động con cháu trong nhà đi hái tiêu. Theo Aduôn Thiêm, thời điểm này tiêu trái vụ đã già và chín mọng phải hái ngay. Nếu để lâu, với tình hình mưa liên tục thế này tiêu sẽ rụng thối lãng phí. Hái tiêu chính vụ thì dùng tay tuốt mạnh, còn tiêu trái vụ, hái như kiểu “rình ong lấy mật”, lật từng cành ngắt từng cuống tiêu giữa trời nắng rất mệt và đuối sức. Thường chỉ có người nhà mới cẩn thận và có sức kiên trì, còn thuê người ngoài phải trả thêm tiền, thường xuyên quan sát, nhắc nhở họ hái nhẹ nhàng. Mùa trước, thấy vườn tiêu ra hoa bất thường, bà cũng thấp thỏm lo lắng bởi đây là nguồn sống chính của cả nhà. Giờ vườn tiêu đã tiếp tục trổ bông, cây tiêu vẫn xanh khỏe, lại được thu thêm vụ nữa, bà rất vui mừng.

Djuang Niê - Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.