Multimedia Đọc Báo in

Cần tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân Hòa Sơn nuôi bò thâm canh

09:28, 20/11/2018

Nuôi bò thâm canh là hướng phát triển kinh tế mới tại xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông). Tuy nhiên nghịch lý: nơi được đầu tư với các chuỗi liên kết, nơi phải tự xoay sở khiến nhiều người chăn nuôi ở đây chưa mặn mà.

Năm 2017, Hội LHPN xã Hòa Sơn vận động 16 gia đình hội viên thôn 8 thành lập mô hình "Tổ liên kết nuôi bò nhốt thâm canh". Để giúp chị em có vốn phát triển chăn nuôi, Hội LHPN xã đề xuất với Hội LHPN tỉnh cho các chị vay vốn Quỹ khởi nghiệp, đồng thời đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 4 chị vay 120 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua con giống. Nhờ đó, hơn một năm nay, mô hình tổ liên kết nuôi bò nhốt thâm canh này đã thu hút thêm 2 hội viên bởi hiệu quả tương đối cao, phù hợp với yêu cầu phát triển đa dạng ngành nghề trong nông nghiệp, nông thôn.

Hiện nay, thu nhập bình quân của mỗi hộ tham gia “Tổ liên kết nuôi bò nhốt thâm canh” ở Chi hội Phụ nữ thôn 8 đạt 30 - 40 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 18 lao động nữ. Đặc biệt, tham gia tổ chăn nuôi tạo cho chị em mối liên kết chặt chẽ, thường xuyên hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm về nguồn giống, kỹ thuật trồng cỏ, quy trình chăm sóc, tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc, liên hệ với các cơ sở giết mổ và tham khảo giá để tránh bị thương lái ép giá khi xuất bán bò. Bà Nguyễn Thị Huệ, Tổ trưởng “Tổ liên kết nuôi bò nhốt thâm canh” cho biết: “Ngoài các nguồn vốn được hỗ trợ, tổ còn thành lập quỹ tiết kiệm, mỗi quý đóng 100.000 đồng/người. Từ nguồn quỹ này, tổ đã hỗ trợ cho 2 chị vay 6,6 triệu đồng mua thức ăn cho bò. Đều đặn 3 tháng/lần tổ lại tổ chức sinh hoạt, mỗi lần sinh hoạt đều mời đại diện lãnh đạo Hội LHPN xã cùng tham dự để có thể đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc”.

Chị Bùi Thị Lý ở thôn 8 (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) chăm sóc bò thâm canh nhốt chuồng.
Chị Bùi Thị Lý ở thôn 8 (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) chăm sóc bò thâm canh nhốt chuồng.

Trong khi đó, các thành viên “Tổ hợp tác nuôi bò thâm canh” của Chi hội Nông dân thôn 8 lại đang “khóc thầm”. Được thành lập từ đầu năm 2013 với 13 thành viên, tổng đàn lúc bấy giờ có 58 con bò, tổ hợp tác này là mô hình điểm về chăn nuôi bò vỗ béo của Phòng NN-PTNT huyện. Hằng tháng, tổ hợp tác cũng tổ chức sinh hoạt nhằm nắm bắt thông tin về tình hình chuồng trại, dịch bệnh, giá thu mua bò thịt, con giống của các thành viên... Và tổ cũng đã thành lập một nguồn quỹ chung bằng cách mỗi khi thành viên nào có bò xuất chuồng thì trích khoảng 500.000 - 1 triệu đồng/lượt nộp vào quỹ để hỗ trợ cho các thành viên khó khăn mua thuốc, thức ăn cho bò... Thế nhưng đã hơn 5 năm trôi qua, tổ hợp tác cũng chỉ dừng lại ở quy mô tổng đàn hơn 100 con bò nhốt thâm canh.

 
“Những năm qua, "Tổ hợp tác nuôi bò thâm canh" vẫn chuyên tâm chăn nuôi để đạt năng suất tốt nhất, còn đầu ra sản phẩm, nguồn vốn, định hướng phát triển thì rất mơ hồ” 
 
ông Trịnh Huy Ái, thôn 8 xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông)

Lý giải tình trạng hội viên nông dân thôn 8 không “mặn mà” với tổ hợp tác, ông Trịnh Huy Ái, Tổ trưởng cho hay: "Nông dân luôn đặt câu hỏi: “Vào tổ hợp tác được gì?”. Thực tế sau hơn 5 năm hoạt động, dù các thành viên trong tổ đã xoay sở nhiều cách nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm con giống, thường xuyên bị thương lái ép giá, kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho bò do tự học nên nhiều khi có những đánh giá không chuẩn. Vào thời kỳ đầu mới thành lập, có 3 thành viên trong tổ được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò do Phòng NN-PTNT huyện tổ chức. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dù UBND xã Hòa Sơn tổ chức nhiều hoạt động tập huấn cho người nuôi bò, nhưng các thành viên của tổ hợp tác của nông dân thôn 8 lại không hay biết thông tin này".

Bên cạnh đó, nguồn vốn vay ưu đãi cũng là băn khoăn không nhỏ của thành viên tổ hợp tác và nhiều nông dân muốn tham gia vào tổ hợp tác. Qua tìm hiểu được biết, tháng 8-2017, tổ đã làm hồ sơ xin vay vốn gửi đến Hội Nông dân xã, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Xung quanh vấn đề vay vốn, lãnh đạo Hội Nông dân xã Hòa Sơn cho biết: Hồ sơ vay vốn của tổ hợp tác đã được gửi đến Hội Nông dân tỉnh song không phải thành viên nào trong tổ hợp tác cũng đủ điều kiện được vay vốn vì đã vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Trước mắt, chỉ có 3 thành viên trong tổ có thể được hỗ trợ vay nguồn vốn 120 giải quyết việc làm cho nông dân. Còn về việc tập huấn, hiện nay xã Hòa Sơn có khuyến nông viên tại 15 thôn, buôn chịu trách nhiệm về tập huấn khuyến nông, do đó Hội Nông dân xã chỉ có thể phối hợp với các khuyến nông viên tổ chức tập huấn khi người dân có nhu cầu.

Thiếu vốn, chị Huỳnh Thị Cảnh, thành viên
Thiếu vốn, chị Huỳnh Thị Cảnh, thành viên "Tổ hợp tác nuôi bò thâm canh" Chi hội Nông dân thôn 8 (xã Hòa Sơn) chưa mở rộng quy mô chăn nuôi.

Nông dân chăn nuôi đơn lẻ bao giờ cũng chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu vốn, kỹ thuật sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thành lập mô hình liên kết, tổ hợp tác là giải pháp tháo gỡ khó khăn trên cho người nông dân. Có thể nói, hoạt động hiệu quả của tổ hợp tác có đóng góp nhất định vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, nâng cao thu nhập cho tổ viên, góp phần vào xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, mô hình kinh tế này vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định; tạo môi trường và cơ chế thuận lợi cho tổ hợp tác phát triển là vấn đề cần được đặt ra trong thời gian tới.

Hoàng Ân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.