Multimedia Đọc Báo in

Cẩn thận với "hàng xách tay"

07:24, 08/11/2018

Trên thị trường tỉnh, người tiêu dùng không còn quá xa lạ với các mặt hàng nhập ngoại bày bán và được người bán giới thiệu là "hàng xách tay".

Theo khảo sát, hàng ngoại nhập được bày bán trên thị trường tỉnh chủ yếu từ các quốc gia như Mỹ, Ý, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản... Ngoài những mặt hàng được nhập chính ngạch thì cũng không thiếu các mặt hàng được giới thiệu là "hàng xách tay".

Điểm chung của những mặt hàng này là “nhiều không” như không có hóa đơn chứng từ, không có thông tin về đơn vị nhập khẩu, đơn vị chịu trách nhiệm kiểm định, không có công bố chất lượng, công bố hợp quy, không có hướng dẫn sử dụng, thành phần nguyên liệu, cảnh báo sử dụng, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt... Hàng hóa được người bán giới thiệu là "hàng xách tay" chủ yếu thuộc các nhóm hàng: quần áo, giày dép, đồng hồ, túi xách thời trang, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...

Theo như quảng cáo của người bán thì đây là những sản phẩm hàng ngoại chất lượng, được người quen đi nước ngoài mang về. Thế nhưng, dù là "hàng xách tay", nhưng khi khách hỏi mua với số lượng bao nhiêu thì... cũng có(!). Không chỉ bày bán tại các cửa hàng kinh doanh cố định, “thiên đường” cho "hàng xách tay" còn phải kể đến các "chợ online".

Cán bộ Cục  Quản lý thị trường tỉnh  tiến hành tịch thu hàng hóa nhập lậu.
Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành tịch thu hàng hóa nhập lậu.

Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh đã thực hiện 63 vụ kiểm tra và phát hiện 63 vụ vi phạm về hàng hóa nhập lậu; xử lý vi phạm hành chính gần 900 triệu đồng, giá trị hàng hóa tịch thu hơn 1,7 tỷ đồng, chủ yếu là quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm chức năng...

So với hàng nhập khẩu chính ngạch thì hàng xách tay có giá rẻ hơn. Tuy nhiên, vì là mang “mác” nhập ngoại nên giá của các sản phẩm này cũng không hề bình dân chút nào. Trung bình có giá vài trăm đến vài triệu đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, chất lượng thì chủ yếu được đổi bằng... niềm tin với người bán. Đáng nói hơn, do tin tưởng vào những lời quảng cáo “có cánh” của người bán mà nhiều người tiêu dùng có xu hướng chuộng "hàng xách tay" vì cho rằng chất lượng tốt. Tuy nhiên trên thực tế, khác với các sản phẩm được nhập chính ngạch có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì "hàng xách tay" chủ yếu nhập về theo đường tiểu ngạch. Do đó có không ít trường hợp "hàng xách tay" được gia công trong nước hoặc nhập nhèm nguồn gốc, trôi nổi.

Cục Quản lý thị trường tỉnh tịch thu sữa nhập ngoại không rõ nguồn gốc.
Cục Quản lý thị trường tỉnh tịch thu sữa nhập ngoại không rõ nguồn gốc.

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, bên cạnh một lượng nhỏ hàng hóa được xách tay về nước thì cũng có các mặt hàng lậu, giả, nhái được “núp bóng” dưới mác là "hàng xách tay". Mặc dù đã quyết liệt quản lý nhưng mặt hàng này vẫn được bán công khai trên thị trường, thậm chí, còn được “đội giá” và hút người mua nhờ tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng. Lợi dụng tâm lý đó, gian thương càng cố tình trà trộn hàng không rõ nguồn gốc vào bày bán để thu lợi nhuận bất chính.

Hầu như trong các đợt thanh, kiểm tra của Cục QLTT thì đợt nào cũng phát hiện hàng hóa ngoại nhập không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ; trong số đó có cả những trường hợp hàng hóa vi phạm được bày bán dưới mác “hàng xách tay”. Do đó, giữa lúc thị trường tràn lan hàng giả, nhái thì người tiêu dùng nên cẩn trọng trong việc chọn mua "hàng xách tay" để tránh nguy cơ gặp phải rủi ro do chất lượng không được kiểm soát.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.