Multimedia Đọc Báo in

Diện mạo mới của nông nghiệp Krông Pắc

09:29, 20/11/2018

Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của địa phương nên những năm qua, Krông Pắc luôn đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đã đạt được những kết quả nhất định.

Quy mô, sản lượng đều tăng

Đến thời điểm hiện tại, huyện Krông Pắc cơ bản thu hoạch xong vụ hè thu 2018 với tổng diện tích hơn 21.000 ha cây trồng các loại và năng suất đều đạt kế hoạch. Trong đó lúa 8.455 ha (năng suất hơn 6,6 tấn/ha), ngô 6.311 ha (7,2 tấn/ha), rau xanh 545 ha (125 tấn/ha)…

Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện, sự thành công của vụ hè thu 2018 đã góp phần nâng diện tích, sản lượng cây ngắn ngày vụ đông xuân 2017-2018 và vụ hè thu 2018 vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, sản lượng lương thực vụ đông xuân và hè thu là 151.031 tấn, vượt 7.494 tấn so với cùng kỳ 2017. Đặc biệt, tổng sản lượng lúa là 101.163 tấn với các giống lúa chất lượng cao, gạo thơm, cơm dẻo được người tiêu dùng ưa chuộng như V13/2, IR 64, OM 4900, HT1, Nhị Ưu 838...

Cây lâu năm có tổng diện tích 23.725 ha (đạt 103% kế hoạch) gồm cà phê 18.123 ha, cao su 1.445 ha, hồ tiêu 1.380 ha, điều 683 ha, cây ăn quả xen canh trong vườn cà phê 2.094 ha. Năm 2018, sầu riêng tiếp tục giữ vị thế đặc biệt khi đầu vụ, các vựa sầu riêng ở xã Hòa Đông, Ea Knuếc, Ea Yông, Ea Kênh hoa nở đều, tỷ lệ đậu quả cao, năng suất ước đạt 20-25 tấn/ha và thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg. Trong đó, các dòng được ưa chuộng nhất là sầu riêng cơm vàng hạt lép Ri 6, DONA… Tổng sản lượng sầu riêng ước đạt 22.000 tấn, lợi nhuận thu về khoảng 1.300 tỷ đồng.

Mô hình cà phê đa canh ở xã Krông Búk (huyện Krông Pắc) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình cà phê đa canh ở xã Krông Búk (huyện Krông Pắc) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Về chăn nuôi, người dân trên địa bàn đang chăn nuôi 4.420 con trâu (đạt 104% kế hoạch năm), 30.000 con bò (đạt 93%), 200.000 con lợn (đạt 91%), 1.413 con gia cầm (đạt 103%). Hiện tại, địa phương đã triển khai tiêm phòng 10.950 liều tụ huyết trùng cho trâu bò, 22.370 liều vắc xin kép trên lợn, 15.800 liều phòng bệnh long móng lở mồm cho gia súc, 3.400 liều vắc xin phòng dại trên chó…

Từng bước hình thành mô hình chuỗi

Song song với sự phát triển quy mô, sản lượng, diện mạo nông nghiệp huyện Krông Pắc đang dần bứt phá với những mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi. Đơn cử như Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nhân An (thành lập tháng 11-2016) ở xã Tân Tiến là một trong những điển hình của mối liên kết nông nghiệp theo chuỗi. Với quy mô gần 17 ha, HTX đang nuôi 2.700 con heo thịt, 60 heo nái, 185 con bò, trồng 2 ha rau VietGAP… theo chuỗi. Hiện tại bình quân mỗi ngày đơn vị cung cấp gần 1 tấn rau, củ, quả các loại cho người tiêu dùng ở thị trấn Phước An, TP. Hồ Chí Minh, TP. Vũng Tàu… Ông Trần Thế Châu, Giám đốc HTX cho biết, để đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch ngày càng tăng, HTX đang xây dựng 10 ha nhà kính để trồng rau, củ, quả hữu cơ với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Đồng thời, ký hợp đồng với 70 hộ dân trên địa bàn các huyện Cư Kuin, Krông Bông, Krông Pắc nuôi heo (30 hộ), bò (40 hộ) và bao tiêu đầu ra cho bà con.

Nông dân xã Hòa Đông phát triển vườn cây đa canh theo hướng bền vững.
Nông dân xã Hòa Đông phát triển vườn cây đa canh theo hướng bền vững.

Tương tự, mô hình sản xuất trà mãng cầu ở xã Ea Kly tuy còn nhỏ nhưng đã manh nha về một sản phẩm trà mới sử dụng nguyên liệu do nông dân địa phương sản xuất và mang nhãn hiệu made in Krông Pắc. Hiện tại bình quân mỗi tháng cơ sở xuất bán khoảng 70 kg trà khô (chế biến từ 600 kg quả tươi) ra thị trường và đang liên kết với người dân trên địa bàn trồng 3 ha mãng cầu thâm canh, bao tiêu đầu ra cho bà con.

Ông Đoàn Doãn Toản, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc cho biết, bên cạnh giới thiệu các giống cây mới qua các mô hình trình diễn thì năm 2018 huyện đẩy mạnh các mô hình sản xuất theo chuỗi. Cụ thể là đang hỗ trợ xây dựng 5 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi gồm chăn nuôi heo ở xã Tân Tiến; trồng và khai thác tinh dầu sả tại xã Ea Yiêng; nuôi heo lấy tinh ở xã Ea Phê; trồng bưởi da xanh ở xã Krông Búk; trồng mãng cầu gai ở xã Ea Phê.

Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tổ chức gần 40 lớp tập huấn cho nông dân trên địa bàn về kỹ thuật trồng cây lâu năm, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản gắn với việc sử dụng hóa chất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.