Multimedia Đọc Báo in

Hành trình khởi nghiệp của cô giáo trẻ

15:12, 04/11/2018

Đang là một giáo viên công tác tại trường THCS Lý Tự Trọng (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk), lại mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh, thế nhưng chị Trương Thị Thu Hà (thôn Tân Lập 4, xã Pơng Drang) đã quyết tâm khởi nghiệp thêm một công việc thông dụng nhất: dọn nhà.

Chia sẻ về cơ duyên đến với ý tưởng của mình, chị Hà cho biết, chị và chồng đã ly hôn 6 năm nay, chị phải một mình nuôi hai đứa con nhỏ, trong một lần đi bệnh viện chữa bệnh trở về, chị thấy nhà cửa bừa bộn mà lúc đó chị mới ốm xong nên không thể tự tay dọn dẹp được. Chị nhận thấy rằng, nếu lúc đó có một dịch vụ đến tận nơi dọn dẹp thì sẽ rất tiện lợi, nhưng ở địa bàn chị sinh sống chưa phát triển loại hình dịch vụ này. Đặc biệt theo chị Hà, dịch vụ dọn nhà có một ưu điểm là tính tiện lợi, linh hoạt thời gian, không phát sinh nhiều vấn đề như khi thuê người giúp việc nên chắc chắn sẽ được nhiều gia đình lựa chọn, nhất là các dịp lễ, Tết. Từ đó, chị thường lên mạng tìm hiểu, học hỏi các quy trình dọn nhà khoa học, các mẹo vặt trong dọn dẹp nhà cửa… và bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình.

Chị Trương Thị Thu Hà (đứng giữa) đang kiểm tra kết quả công việc của nhân viên.
Chị Trương Thị Thu Hà (đứng giữa) đang kiểm tra kết quả công việc của nhân viên.

Tháng 6-2018, tranh thủ kỳ nghỉ hè, chị liền đăng thông báo về công việc dọn nhà lên các trang mạng xã hội để tìm hiểu và kích ứng nhu cầu của người dân. Ngay lập tức, có rất nhiều người gọi điện đặt lịch, chị liền rủ thêm một người bạn thân cùng là giáo viên trong trường để đi làm.

Chị tâm sự: “Lúc đó bố mẹ và mọi người phản đối dữ lắm, vì mình là giáo viên giờ lại đi lau dọn nhà cửa cho người khác thì rất khó coi. Có khi vào dọn nhà gặp trúng nhà những người thân quen hay phụ huynh học sinh thì ngại lắm. Thế nhưng, mình luôn tâm niệm trong đầu rằng, nghề gì cũng là nghề, miễn chân chính và kiếm ra tiền là được”.

Sau hơn một tháng tự tay dọn dẹp hàng chục ngôi nhà trên địa bàn, chị nhận thấy nhu cầu của người dân ở đây rất cao. Chị liền liên hệ với bạn bè, những người thân quen chưa có công việc ổn định, đang muốn tìm việc làm để cùng chị phát triển dịch vụ này. Tiếp đó, chị đã đứng ra thành lập Trung tâm Dịch vụ dọn nhà Tây Nguyên Xanh, với các dịch vụ chính như: dọn nhà, dọn dẹp đám cưới, dọn công trình sau xây dựng…

Đồng thời tích cực quảng bá trên các trang mạng xã hội để thông tin tiếp cận được với khách hàng nhanh nhất. Chỉ sau gần 3 tháng thành lập, Trung tâm của chị đã thu hút được một lượng lớn khách hàng không chỉ trên địa bàn huyện Krông Búk mà cả ở thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Năng, TP. Buôn Ma Thuột… Mỗi tháng có hơn 100 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ của Trung tâm, trong đó có hơn 10 hộ gia đình đăng ký hợp đồng cố định, dọn nhà định kỳ hàng tuần.

Các nhân viên của Trung tâm Dịch vụ dọn nhà Tây Nguyên Xanh đang dọn dẹp nhà cho khách hàng.
Các nhân viên của Trung tâm Dịch vụ dọn nhà Tây Nguyên Xanh đang dọn dẹp nhà cho khách hàng.

Hiện tại, Trung tâm Dịch vụ dọn nhà Tây Nguyên Xanh có 12 nhân viên, phần lớn là những phụ nữ trên địa bàn chưa có việc làm ổn định, bên cạnh đó có cả những người là giáo viên tranh thủ thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập. Mỗi nhân viên ở Trung tâm đều được chị tận tình đào tạo các kỹ năng cơ bản, khoa học và phải tuân thủ các quy định làm việc một cách nghiêm ngặt. Bởi theo chị, để phát triển Trung tâm lâu dài cần đặt uy tín, chất lượng và sự hài lòng của khách hàng lên hàng đầu. Đối với dịch vụ dọn nhà, thông thường Trung tâm chị nhận dọn nhà theo giờ, với các công việc chủ yếu là lau chùi đồ đạc, đánh rửa chén bát, xoong nồi, làm sạch sàn nhà, cửa sổ, các phòng ở, dọn dẹp đồ…

Còn đối với dọn dẹp công trình sau xây dựng, công việc chủ yếu cũng là quét, lau dọn đồ đạc, nếu có việc nặng như khiêng vác đồ vật sẽ gọi thêm cả chồng của những nhân viên trong trung tâm cùng đi làm. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (19 tuổi, nhân viên Trung tâm) chia sẻ, dọn nhà là một công việc khá nhẹ nhàng, không áp lực. Đặc biệt, từ khi vào làm việc ở đây, chị đã học hỏi được nhiều kỹ năng dọn dẹp hữu ích mà trước giờ chưa biết đến. Cũng nhờ công việc này mà mỗi tháng chị đã kiếm thêm được từ 3-4 triệu đồng để trang trải cuộc sống, phụ giúp kinh tế gia đình.

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, chị Trương Thị Thu Hà cho biết, chị sẽ vẫn cân bằng giữa công việc giảng dạy và quản lý nhân viên ở Trung tâm. Bên cạnh đó sẽ mở rộng thêm hệ thống dịch vụ và tuyển thêm nhân viên, đồng thời tiếp tục quảng bá, mở rộng địa bàn ra các khu vực lân cận.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.