Multimedia Đọc Báo in

Tạo động lực để người nghèo vươn lên

15:05, 13/11/2018

Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động trên địa bàn huyện Buôn Đôn, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên (sau đây gọi là Dự án) đã góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng, hỗ trợ thiết thực cho hàng nghìn hộ dân địa phương phát triển kinh tế.       

Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, chị Lương Thị Hồng ở thôn 10 (xã Tân Hòa) đang tất bật dọn vệ sinh chuồng trại và cho đàn heo ăn. Sau hai tháng được nhận 3 con heo giống từ Dự án nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, thức ăn đầy đủ nên heo con lớn nhanh, mỗi con đạt trọng lượng hơn 30 kg. Chị Hồng cho hay, gia đình có 4 người con nhưng chỉ có 5 sào rẫy, đất đai cằn cỗi nên thu nhập không cao. Hằng ngày, ai thuê gì làm nấy mới kiếm đủ ăn, cái nghèo cứ đeo bám mãi. “Cái khó bó cái khôn”, chị Hồng muốn đầu tư chăn nuôi, cải thiện đời sống nhưng thiếu vốn nên đành chịu. “Được hỗ trợ giống heo, kỹ thuật chăn nuôi, giờ đây gia đình mình yên tâm chăn nuôi. Khoảng 3 tháng nữa là có thể xuất chuồng, sẽ có vốn để nuôi thêm nhiều lứa heo nữa”, chị Hồng nói trong niềm vui. Nhóm nuôi heo của chị Hồng có 15 hộ tham gia, ngoài chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, nhóm còn đóng góp quỹ mỗi người 20 nghìn đồng/tháng để cho các hộ có nhu cầu vay phục vụ sản xuất.

Con đường khang trang từ thôn 4 đi thôn 8, xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) được đầu tư từ nguồn vốn của Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên.
Con đường khang trang từ thôn 4 đi thôn 8, xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) được đầu tư từ nguồn vốn của Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên.

Tương tự, gia đình anh Trương Văn Trúc ở thôn Ea Ly (xã Ea Wer) thuộc diện cận nghèo, có 1 ha rẫy nhưng do đất đai cằn cỗi nên làm lụng quần quật cả năm may mắn lắm cũng chỉ đủ ăn. Năm nay gia đình anh nằm trong diện được Dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi dê. Niềm vui của anh Trúc tăng lên gấp bội khi 2 con dê được hỗ trợ cách đây 2 tháng đã sinh được 2 con dê con. “Đây là lần đầu tiên nuôi dê nhưng được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, chuồng trại nên rất yên tâm chăn nuôi. Nhìn đàn dê phát triển, gia đình tôi hết sức vui mừng và hy vọng”, anh Trúc xúc động chia sẻ. Việc hỗ trợ giống vật nuôi cho các hộ nghèo ở huyện Buôn Đôn đã từng bước phát huy hiệu quả rõ rệt, có thể kể thêm gia đình chị Nguyễn Thị Giáo ở thôn Ea Ly (xã Ea Wer) được hỗ trợ dê giống từ năm 2017, sau một năm chăm sóc đến nay đã có đàn dê 4 con. Trước đó, gia đình chị Giáo đã xuất bán được 2 con dê, gia đình có một khoản thu nhập tương đối.

Ngoài tạo sinh kế cho người dân, trong những năm qua Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên cũng đã góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng cho địa phương. Đơn cử như tuyến đường từ thôn 4 đến thôn 8 (xã Tân Hòa) trước đây là đường đất, vào mùa nắng bụi mù trời, các hộ dân sinh sống hai bên đường không ai dám mở cửa, đến mùa mưa thì ngập ngụa trong bùn đất nhão nhoẹt khiến việc đi lại, sinh hoạt của bà con gặp vô vàn khó khăn. Năm 2017, Dự án đã đầu tư 2,86 tỷ đồng để bê tông hóa đoạn đường trên với chiều dài khoảng 1,4 km giúp người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện. Ông Đào Ngọc Toán, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa đánh giá: “Địa phương hiện còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng và công tác giảm nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn 30%, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển còn thiếu và yếu. Trong những năm qua, Dự án đã đầu tư cho địa phương gần 20 tỷ đồng để cải thiện kết cấu hạ tầng, tạo sinh kế cho hàng trăm hộ dân, đã góp phần hỗ trợ cho sự phát triển của địa phương”.

Chị Lương Thị Hồng ở thôn 10 (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) đang chăm sóc đàn heo được Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ.
Chị Lương Thị Hồng ở thôn 10 (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) đang chăm sóc đàn heo được Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ.

Ông Trịnh Văn Ninh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Buôn Đôn cho biết: “Dự án giảm nghèo Tây Nguyên tiến hành hỗ trợ dựa trên nhu cầu thực tế của người dân. Theo đó, những vùng nằm trong diện hưởng lợi từ Dự án sẽ được họp bàn, đề xuất ý kiến, sau đó bỏ phiếu bình xét. Công trình nào cần thiết sẽ được ưu tiên đầu tư trước". Đối với các tiểu dự án cải thiện sinh kế cho người dân cũng vậy, người dân có nhu cầu nuôi heo thì sẽ tập hợp thành một nhóm nuôi heo, muốn chăn nuôi dê thì sẽ tập hợp lại thành nhóm nuôi dê… vì chỉ người dân mới biết mình có khả năng, điều kiện để nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp nên sự hỗ trợ đã phát huy hiệu quả tốt.

Theo Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Buôn Đôn, tính đến nay Dự án đã hỗ trợ xây dựng 243 tiểu dự án sinh kế cho 3.532 hộ dân với số vốn đầu tư hơn 29 tỷ đồng; đầu tư hơn 49 tỷ đồng xây mới, nâng cấp 54 công trình đường nông thôn, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa…

Vạn Tiếp

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.