Multimedia Đọc Báo in

6 năm vẫn chưa thể thu hồi đất rừng giao sai đối tượng

09:32, 27/12/2018

Ngày 22-6-2012, Thanh tra Chính phủ có Kết luận số 1600 trong đó nêu rõ những vi phạm về việc giao khoán đất lâm nghiệp tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng (huyện Krông Năng). Mặc dù đã 6 năm trôi qua kể từ khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng hơn 200 ha đất rừng giao sai đối tượng trên địa bàn huyện Krông Năng hiện vẫn chưa thể thu hồi.

Theo Kết luận số 1600 ngày 22-6-2012 của Thanh tra Chính phủ, sau khi rà soát lại việc giao đất lâm nghiệp tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng đã phát hiện hơn 844 ha rừng giao sai đối tượng. Trong đó, 6 nhóm hộ được giao sai đối tượng gồm: Nhóm hộ bà Mai Thị Hải Yến (vợ của ông Phạm Minh Sơn, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Năng), nhóm ông Trương Công Đản (nguyên Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Năng), nhóm ông Nguyễn Minh Trình (cán bộ Chi cục Thuế huyện Krông Năng) và Nguyễn Văn Thông (cha ruột ông Trình), nhóm hộ ông Nguyễn Đình Chương (cán bộ Chi cục Thuế huyện Krông Năng), nhóm hộ bà Triệu Thị Hồng (vợ của ông Nguyễn Kim Liên, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Klông), Hợp tác xã Hợp Tiến (gồm 41 hộ dân xã Ea Tam và Ea Púk).

Nhiều diện tích đất rừng giao sai ở huyện Krông Năng đến nay vẫn chưa thể thu hồi.
Nhiều diện tích đất rừng giao sai ở huyện Krông Năng đến nay vẫn chưa thể thu hồi.

Theo ông Lê Minh Tiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, sau khi có Kết luận của Thanh tra Chính phủ, đến nay 6 nhóm hộ trên đã trả lại hơn 647 ha; trong đó, Hợp tác xã Hợp Tiến đã thanh lý toàn bộ, còn hơn 197 ha của 5 nhóm hộ là người nhà các cán bộ huyện vẫn chưa chịu thanh lý. Trong đó, có hơn 58 ha của bà Phạm Thị Phương Dung (con gái ông Sơn, bà Yến); 17 ha của hộ ông Trương Công Đản; hơn 22 ha của hộ ông Nguyễn Minh Trình và cha ruột ông Trình là Nguyễn Văn Thông; gần 19 ha của nhóm hộ ông Nguyễn Đình Chương và gần 90 ha của nhóm hộ bà Triệu Thị Hồng.

Theo lý giải của ông Phạm Minh Sơn, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, chồng của bà Mai Thị Hải Yến - người đã đứng tên hồ sơ nhận khoán hơn 143 ha đất rừng từ Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, sau khi có Kết luận của Thanh tra Chính phủ thì gia đình đã trả lại 85 ha đất lâm nghiệp; số diện tích còn lại do gia đình bỏ nhiều công sức, tiền bạc đầu tư nên mong muốn huyện, tỉnh có phương án hỗ trợ phù hợp cho gia đình. Cùng với đó, ông Sơn cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ cần xem xét lại tính chất lịch sử thời điểm giao khoán rừng và đất rừng.

Ông Châu Văn Lượm, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng cho biết: “Hiện UBND huyện Krông Năng đã yêu cầu các hộ trước đây nhận khoán sai đối tượng theo Kết luận 1600 của Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng rà soát lại diện tích để tiến hành thanh lý theo quy định. Tuy nhiên, các hộ nhận khoán sai đối tượng yêu cầu khi thanh lý thì phải hỗ trợ kinh phí cho tài sản họ đã đầu tư. Hiện huyện không có nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân này. Chúng tôi đã giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ xây dựng phương án báo cáo với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh có hướng giải quyết”.

Võ Trường


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.